Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Kim Ngân chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, giáo viên Học viện. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết, đây là buổi nói chuyện chuyên đề đầu tiên trong chương trình về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học năm 2017. Bài nói chuyện của Chủ tịch Quốc hội giúp có cái nhìn toàn cảnh những vấn đề lớn của đất nước, những vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ, những thông tin tại buổi nói chuyện nhằm cung cấp, làm phong phú thêm cho các chương trình giảng dạy của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Chủ tịch Quốc hội mong muốn Học viện có sự gắn bó với Quốc hội thông qua chương trình liên kết. Theo đó, tại mỗi một kỳ họp Quốc hội, Học viện có thể cử cán bộ giảng dạy đến dự khán tùy theo nhu cầu của bộ môn, cũng như sự quan tâm đến vấn đề mà Quốc hội đang thảo luận. Như vậy, ngoài phần nghiên cứu lý luận, những kiến thức thực tiễn thông qua việc thảo luận, tranh luận của đại biểu Quốc hội ở nghị trường sẽ bổ sung rất nhiều thực tiễn cho cán bộ giảng dạy.
Về chủ đề của buổi nói chuyện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là chủ đề rất quan trọng trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đặc biệt trong bối cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định cần phải tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và định hướng phát triển của nhà nước, tạo môi trường thuận lợi, sáng tạo, phát huy dân chủ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Chủ tịch Quốc hội đã giới thiệu những nét tổng quan về Hiến pháp năm 2013, những nội dung về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong Hiến pháp năm 2013; những phương hướng cơ bản, những định hướng tiếp tục xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa đã được Hiến pháp quy định.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chia sẻ về công tác của Quốc hội hiện nay, trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả, phát huy dân chủ hơn nữa phương thức hoạt động của Quốc hội, tăng cường tranh luận, phản biện, giám sát, đưa ra các quyết định dưới hình thức luật, phát huy vai trò của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội…