Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Thượng tướng Trần Quang Phương... đã tham dự.
Tại buổi lễ, ghi nhận những đóng góp của Ban Công tác đại biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng Ban Công tác đại biểu.
Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh cho biết, năm 2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 368/2003/NQ-UBTVQH11 thành lập Ban Công tác đại biểu. Trải qua 20 năm hoạt động (từ Quốc hội khóa XI-XV), Ban đã hai lần được Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ và không ngừng phát triển cả về tổ chức và hoạt động. Qua 5 thế hệ lãnh đạo, tập thể lãnh đạo Ban và các cán bộ, công chức chuyên môn phục vụ hoạt động của Ban qua các thời kỳ đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, đoàn kết, tâm huyết, trách nhiệm, nhiều đồng chí trưởng thành từ thực tiễn, có kinh nghiệm công tác, chủ động, đổi mới, sáng tạo, linh hoạt vượt qua khó khăn, không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên để hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng…
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội
Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn biểu dương, đánh giá cao những đóng góp của Ban Công tác đại biểu qua các thời kỳ. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, 20 năm qua, đội ngũ cán bộ, công chức của Ban Công tác đại biểu luôn đoàn kết một lòng, kế thừa, phát huy, quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng; phát huy tinh thần chủ động, tích cực; từng bước kiện toàn mô hình tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ; thực hiện tốt công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất trực tiếp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu Quốc hội và hướng dẫn hoạt động của HĐND.
Nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong giai đoạn mới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, Nghị quyết số 21/2022/UBTVQH15 về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành trong năm 2022 đã bao quát đầy đủ hơn chức năng, nhiệm vụ của Ban. Việc chuyển một số nhiệm vụ cho cơ quan khác để tập trung vào công tác tổ chức bộ máy, cán bộ đã cho thấy tầm nhìn mới và yêu cầu mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Ban Công tác đại biểu là phải: Tham mưu chuyên sâu, chiến lược.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, Đảng ta đã xác định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”.
Về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rất cô đọng là: “Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội”…“ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc của đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm sao cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc”.
Trước yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ban Công tác đại biểu tiếp tục nỗ lực phấn đấu, xác định trọng tâm, trọng điểm trong công việc và có giải pháp thực hiện sao cho hiệu quả, thiết thực nhất. Trong đó, Ban Công tác đại biểu cần tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 27 ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Cùng với đó là tập trung nghiên cứu các vấn đề mới, quan trọng để chủ động tham mưu, sớm phát hiện những nhân tố mới, kịp thời đề xuất với Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự của Quốc hội, tiếp tục thể hiện vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội trong hoạt động của Quốc hội.
Ban Công tác đại biểu cần tham mưu, kiến nghị đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là cơ sở để tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xác định mô hình, phương thức hoạt động của Quốc hội và đề xuất các kiến nghị trong Đề án phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Ban chú trọng công tác quy hoạch đại biểu Quốc hội để thật sự giới thiệu được những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, đủ tiêu chuẩn theo quy định của Đảng và pháp luật, tham gia làm đại biểu Quốc hội; đổi mới công tác bồi dưỡng đại biểu Quốc hội một cách khoa học, thiết thực, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội; tham mưu thật tốt những vấn đề liên quan đến việc hoàn thiện cơ chế giám sát của cử tri và phương thức, tiêu chí đánh giá đại biểu Quốc hội; bảo đảm các điều kiện để đại biểu Quốc hội thực hiện tốt vai trò của mình.
Nhấn mạnh công tác chủ động chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 theo tinh thần từ sớm, từ xa, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý Ban Công tác đại biểu chú trọng hoàn thiện văn bản hướng dẫn cuộc bầu cử theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Ban tăng cường sự phối hợp, đổi mới phương thức giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với HĐND trên cơ sở Nghị quyết số 594 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát của của Hội đồng nhân dân và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau Hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh năm 2022 tại tỉnh Quảng Ninh; tiếp tục tham mưu, kiến nghị về đổi mới tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, trước hết tập trung vào cơ quan dân cử ở địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ban Công tác đại biểu hết sức lưu ý những yêu cầu cụ thể của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong công tác tham mưu, triển khai công việc của Ban, đó là: Phải bám sát thực hiện Nghị quyết số 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV ngày 11/7/2022 về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu; thường xuyên cập nhật, nghiên cứu kỹ các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ để tham mưu cho chắc, cho đúng, cho kịp thời…
Ban Công tác đại biểu chủ động hơn trong công việc, trong tham khảo ý kiến của các Ban xây dựng Đảng, các Bộ, ngành và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; duy trì nền nếp, kỷ cương công tác, đoàn kết, động viên nhau, luôn thống nhất thật sự, trách nhiệm hết mình với công việc; phát huy năng lực, trình độ, thế mạnh của mỗi cán bộ, vừa kế thừa, phát huy, vừa đổi mới, chuyên nghiệp, hiệu quả, khẳng định vai trò tích cực của mình đối với các hoạt động của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ tin tưởng, Ban Công tác đại biểu sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả toàn diện trên các mặt công tác, luôn giữ vững vị trí, vai trò quan trọng trong tổ chức, bộ máy của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trong hệ thống chính trị. Đây là tiền đề để tập thể lãnh đạo, công chức của Ban Công tác đại biểu có thêm động lực, quyết tâm thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2023 và những năm tiếp theo.