Tới Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đi thăm một số lớp học, phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất để tìm hiểu quá trình dạy và học của nhà trường. Gặp gỡ, trò chuyện với tập thể thày và trò Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương những thành tựu mà nhà trường đã đạt được trong công tác giáo dục, đào tạo 20 năm qua.
Chủ tịch nước cho rằng, từ một cơ sở đào tạo phôi thai với 3 khoa ban đầu, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã trở thành một cơ sở đào tạo bậc đại học, sau đại học đa lĩnh vực, đa ngành, có uy tín với hệ thống quy trình đào tạo hiện đại, quản lý khoa học, đào tạo được nhiều thế hệ sinh viên có thành tích học tập tốt; góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn coi phát triển giáo dục đào tạo là quốc sách. Đây cũng là một trong các khâu đột phá, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Với tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị, phát huy thành tích 20 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể Ban Giám hiệu, thày và trò Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa chương trình, nội dung giảng dạy và học tập, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả; tích cực, chủ động sáng tạo xây dựng công nghệ quản lý, đào tạo ngày càng hiện đại; không ngừng cao chất lượng dạy và học theo hướng toàn diện đức - trí- thể - mỹ; phấn đấu đưa Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trở thành cơ sở đào tạo có uy tín cao mang tầm quốc gia và trong khu vực Đông Nam Á.
Chủ tịch nước nêu rõ, xã hội hóa dịch vụ công, trong đó có giáo dục là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm khơi dậy, phát huy các tiềm năng, nguồn lực to lớn trong xã hội để nâng cao chất lượng dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.
Đánh giá thành công của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và các mô hình đào tạo ngoài công lập những năm qua đã khẳng định sự đúng đắn của chủ trương này, Chủ tịch nước cho rằng, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội với mô hình cơ sở đào tạo không vì lợi nhuận, là cơ sở cho sự ổn định và phát triển của nhà trường suốt 20 năm qua. Chủ tịch nước đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo cần sớm nghiên cứu, tổng kết mô hình của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cùng những mô hình đào tạo ngoài công lập thành công khác, rút ra những kinh nghiệm quý báu để đẩy nhanh và thực hiện có kết quả chủ trương xã hội hóa giáo dục và đào tạo của đất nước.
Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được thành lập tháng 6/1996 do Giáo sư Trần Phương (Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (Khóa IV và V), nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) làm Hiệu trưởng. Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được thành lập trên cơ sở hội tụ những nhà trí thức có uy tín trên nhiều lĩnh vực với mục tiêu đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Lĩnh vực đào tạo ưu tiên của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là kinh tế thực hành và kỹ thuật thực hành, hướng đến hình thành nguồn nhân lực trình độ cao cho các doanh nghiệp. Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội lấy đào tạo nghề nghiệp - thực hành làm định hướng chủ yếu. Mô hình đào tạo của nhà Trường gắn chặt giữa trau dồi kiến thức với rèn luyện kỹ năng thực hành, phát triển tư duy sáng tạo, kết hợp lý luận với thực tiễn nhằm đào tạo thanh niên thành những cán bộ vừa hồng vừa chuyên.
Từ 3 ngành học lúc đầu, đến nay Trường đã phát triển thành 20 ngành đào tạo đại học, 5 ngành đào tạo thạc sỹ, 1 ngành đào tạo Tiến sỹ thuộc 4 khối: Kinh tế, quản trị, kinh doanh, quản lý; Kỹ thuật, Công nghệ; bảo vệ sức khỏe và ngoại ngữ. Đội ngũ giảng dạy của Trường gồm 1.217 giảng viên, trong số đó, 182 Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, 665 người có trình độ thạc sĩ, phần còn lại là cử nhân, kỹ sư, bác sỹ.
Qua 20 năm hoạt động, trường đã "cho ra lò" 52.500 cử nhân, 1.500 thạc sỹ với nhiều lĩnh vực, đặc biệt số sinh viên tốt nghiệp hầu hết đều nhận được việc làm ngay sau khi ra trường. Nhiều thế hệ sinh viên từ Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã thành đạt, có vị trí cao trong xã hội.