Chủ tịch nước dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Brunei

Tiếp tục các hoạt động trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Brunei Darussalam, ngày 28/8, tại thủ đô Bandar Seri Begawan, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Brunei Darussalam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp quốc gia Brunei Darussalam phối hợp tổ chức.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Brunei. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Diễn đàn thu hút khoảng 250 doanh nghiệp hai nước tham dự.

Theo đặc phái viên TTXVN, tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Năng lượng Brunei Darussalam, Haji Mohammad Yasmin bin Haji Umar đã giới thiệu về môi trường đầu tư, chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư nước ngoài của Brunei Darussalam trong các lĩnh vực như dầu khí, hóa chất, công nghệ chế biến thực phẩm Halal, dược phẩm Halal, công nghệ thông tin,... Bộ trưởng Haji Mohammad Yasmin bin Haji Umar cho biết, Brunei Darussalam hiện có 8 khu công nghiệp để thu hút đầu tư nước ngoài. Brunei Darussalam luôn chào đón các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư và kinh doanh tại nước này.

Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã đưa ra những đánh giá chung về quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, trong đó nhấn mạnh nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế để xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới, trong đó có Brunei Darussalam. Đối với thị trường Brunei Darussalam, các doanh nghiệp Việt Nam đang chú trọng cung ứng sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường như dệt may, giày dép, thực phẩm Halal.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Năng lượng Brunei Darussalam, Haji Mohammad Yasmin bin Haji Umar và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng đã trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp, làm rõ hơn về vấn đề chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Brunei Darussalam, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp thành lập công ty 100% vốn nước ngoài; chính sách của Nhà nước Việt Nam trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, chủ trương cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện khả năng tiếp cận tài chính, chính sách thuế,...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chứng kiến Lễ ký Biên bản ghi nhớ về tăng tường hợp tác kinh tế giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại Brunei Darussalem. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Thông báo trước cộng đồng doanh nghiệp hai nước một số nét chính về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quy mô kim ngạch thương mại, kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)... của Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, trong giai đoạn 2011 - 2015, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2015, Việt Nam đạt mức tăng trưởng gần 6,7%, cao nhất kể từ năm 2011, là một trong sáu nền kinh tế mới nổi tăng trưởng cao nhất năm 2015. Kim ngạch thương mại giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 15%, đạt 330 tỷ USD vào năm 2015, gấp 1,6 lần quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và hướng đến mục tiêu 600 tỷ USD vào năm 2020. Với dân số 92 triệu người, quy mô và sức mua của thị trường Việt Nam tăng trưởng nhanh, ổn định... Việt Nam đã thu hút hơn 293 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với khoảng 21.700 dự án từ 116 quốc gia và vùng lãnh thổ và đã giải ngân được 148 tỷ USD.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển bền vững, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, qua đó sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Việt Nam sẽ kiên định thực hiện ba đột phá lớn gồm: tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh thực hiện chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ - hiện đại.

Mục tiêu cụ thể bao gồm tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt từ 6,5 - 7%, GDP bình quân đầu người đạt 3.500 USD và quy mô nền kinh tế đạt khoảng 350 tỷ USD,... Việt Nam đang chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với trọng tâm là hội nhập kinh tế; là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Việt Nam đã ký 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định TPP; đang cùng Brunei Darussalam đẩy nhanh đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với mục tiêu sớm kết thúc đàm phán, chính thức ký kết. Với triển vọng đó, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác, trong đó có tất cả thành viên Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), tiếp cận tự do thị trường 2/3 quy mô dân số và 3/4 GDP toàn cầu.

Về môi trường đầu tư tại Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thông báo, Việt Nam đã và đang nỗ lực tiếp tục cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như thông lệ quốc tế. Nhà nước Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh thuận lợi ngang mức bình quân ASEAN-4 trong năm 2016 về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai và tiếp cận điện năng. Cùng với đó là tập trung phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng và hạ tầng đô thị, khuyến khích đầu tư theo mô hình đối tác công - tư (PPP) để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư và kinh doanh khai thác các công trình hạ tầng...

Về định hướng phát triển quan thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Brunei Darussalam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thông báo với các doanh nghiệp hai nước về những thỏa thuận quan trọng trên các lĩnh vực mà Chủ tịch nước và Quốc vương Haji Hassanal Bolkiah Mu’izzaddin Waddaulah đã thống nhất trong cuộc hội đàm. Đó là đẩy mạnh hơn nữa quan hệ thương mại, đầu tư và hợp tác phát triển trong nông nghiệp chất lượng cao, dầu khí, phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức PPP... Đây sẽ là nền tảng căn bản, tạo ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam và Brunei Darussalam hợp tác đầu tư, kinh doanh và cùng phát triển bền vững, qua đó thúc đẩy hơn nữa quan hệ đầu tư và thương mại giữa hai nước.

Để quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Brunei Darussalam phát triển tương xứng với mong muốn cũng như tiềm năng hợp tác, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Brunei Darussalam đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh của mình và Việt Nam có nhu cầu, đồng thời có thể tạo điều kiện để các doanh nghiệp hai nước cùng phát triển, như: năng lượng - dầu khí, tài chính, bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, phát triển hạ tầng,... Về lĩnh vực thương mại, Chủ tịch nước cho rằng, không gian hợp tác vẫn còn rất lớn. Vì vậy, Việt Nam mong muốn xuất khẩu các sản phẩm nông sản, thủy sản, điện tử, hàng tiêu dùng.... nhiều hơn nữa sang Brunei Darussalam và nhập khẩu các sản phẩm hóa dầu từ Brunei Darussalam phục vụ nhu cầu kinh tế của Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Việt Nam rất coi trọng và đánh giá cao các dự án đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp Brunei Darussalam tại Việt Nam. Chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương của Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi và bảo đảm các cam kết để các nhà đầu tư Brunei Darussalam nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung làm ăn thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam. Hiện có nhiều tập đoàn đa quốc gia đầu tư kinh doanh thành công ở Việt Nam. Thời gian tới, nhiều doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán. Đây là cơ hội tốt để các nhà đầu tư Brunei Darussalam nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung tham gia, trở thành cổ đông chiến lược của các doanh nghiệp này.

Trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại II của Brunei Darussalam Yang Berhormat Pehin Dato Lim Jock Seng và Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã thay mặt Chính phủ hai nước ký Biên bản Ghi nhớ về tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế giữa Bộ Ngoại giao và Thương mại Brunei Darussalam và Bộ Công Thương Việt Nam.

Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp một số doanh nghiệp hàng đầu của Brunei Darussalam. Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, quan hệ kinh tế-thương mại và đầu tư Việt Nam - Brunei Darussalam còn khiêm tốn. Brunei Darussalam có 2,2 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam, quy mô thương mại hai chiều chỉ đạt trên 73 triệu USD vào năm 2015. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp hai bên có vai trò quan trọng trong việc nâng tầm hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới. Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam rất coi trọng và đánh giá cao các dự án đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp Brunei Darussalam tại Việt Nam. Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương của Việt Nam sẽ tạo những điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Brunei Darussalam và nước ngoài nói chung tiến hành đầu tư thành công, bền vững và lâu dài ở Việt Nam.

Cũng trong sáng 28/8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thăm Bảo tàng Hoàng gia “Royal Regalia” ở thủ đô Bandar Seri Begawan. Bảo tàng Hoàng gia “Royal Regalia” là nơi diễn ra lễ đăng quang của Quốc vương Haji Hassanal Bolkiah Mu’izzaddin Waddaulah vào ngày 5/10/1967. Bảo tàng được xây dựng với kiến trúc phản ánh triết lý “Vương quốc Hồi giáo Malay” và được thiết kế để trở thành một điểm nhấn của thủ đô Banda Seri Begawan. Trong Bảo tàng Hoàng gia “Royal Regalia” có 4 không gian trưng bày, bao gồm: Royal Regalias (Coronatioan), Royal Exhibition, Silver Jubilee và Constitution.

TTXVN/Tin Tức
Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Brunei
Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Brunei

Trên đường vào Cung điện Istana Nurul Iman, hơn 6.000 học sinh Brunei Darussalam tưng bừng vẫy cờ hoa chào đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN