Tại buổi làm việc, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Phạm Quốc Hưng, Trưởng đoàn Kiểm tra số 3 đánh giá cao những kết quả Hải Dương đạt được, nhất là việc kìm chế tình hình tội phạm, đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, Hải Dương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo 138 từ tỉnh xuống xã, đều do Chủ tịch UBND làm Trưởng ban.
Ông Phạm Quốc Hưng đề nghị, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Hải Dương phân tích nguyên nhân các tồn tại, hạn chế, nhất là nguyên nhân chủ quan để đề ra giải pháp khắc phục thời gian tới. Tỉnh chú trọng, quan tâm kiện toàn bộ máy, thu gọn đầu mối để hoạt động của Ban Chỉ đạo 138 các cấp có hiệu lực, hiệu quả.
Ban Chỉ đạo 138 sửa đổi quy chế làm việc gắn trách nhiệm với mỗi thành viên, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn. Hải Dương tiếp tục thực hiện quyết liệt Đề án 06 của Chính phủ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hiện nay, cơ quan chức năng, nhất là lực lượng Công an đang triển khai các đợt cao điểm ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự Tết Nguyên đán. Ông Phạm Quốc Hưng đề nghị, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Hải Dương tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai tốt đợt cao điểm, đảm bảo nhân dân cuộc sống bình yên, đón Tết an toàn, vui tươi.
Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng thông báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, Hải Dương đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức trong lãnh đạo, chỉ huy, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tội phạm. Tỉnh xác định rõ, phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, thực hiện mọi nơi, mọi lúc, mọi địa bàn, lĩnh vực, có trọng tâm, trọng điểm, lấy “chủ động phòng ngừa” từ sớm, từ xa, từ cơ sở là chính, lấy cơ sở là địa bàn trọng tâm, tập trung biện pháp phòng ngừa tội phạm, gắn với thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Ban Chỉ đạo 138 Hải Dương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể triển khai giải pháp phòng ngừa xã hội, từ đổi mới công tác tuyên truyền, chủ động rà soát, nắm tình hình, đánh giá, phân loại mức độ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân từ cơ sở; kịp thời phát hiện, tổ chức hòa giải mâu thuẫn ngay từ đầu, không để xảy ra vụ việc, vụ án về hình sự; tổ chức đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm… góp phần quan trọng kéo giảm 6,5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Đại tá Lê Quý Thường, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, 11 tháng năm 2023, tội phạm trật tự xã hội, toàn tỉnh xảy ra 514 vụ, 1.058 đối tượng (giảm 36 vụ so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, 11 loại án giảm, như: cố ý gây thương tích, cướp giật tài sản, cưỡng đoạt tài sản… Tuy nhiên, tội phạm giết người, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng; tội phạm cướp, cướp giật tài sản có xu hướng trẻ hóa, hành vi manh động, liều lĩnh...
Đối với công tác phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội, lực lượng Công an tổ chức tấn công, trấn áp, đánh mạnh, đánh trúng các loại tội phạm, truy quét, xử lý mạnh tệ nạn cờ bạc, mại dâm; trấn áp hiệu quả “tội phạm đường phố”; điều tra, khám phá nhanh các vụ án nghiêm trọng. Tỷ lệ điều tra, khám phá chung đạt 91,6%. Đối với tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, cơ quan chức năng khởi tố án tham nhũng tăng 85,7% số vụ, tăng 91,7% số bị can; thu hồi tài sản đạt 76,3% và phong tỏa nhiều tài sản khác.
Lực lượng Công an triệt xóa, vô hiệu hóa 4 điểm phức tạp về ma túy, không có tụ điểm phức tạp về ma túy, không có đường dây, ổ nhóm tội phạm về ma túy có tổ chức, liên tỉnh, xuyên quốc gia…
Tại buổi làm việc, đại diện Công an tỉnh, các sở, ngành của Hải Dương trả lời, làm rõ câu hỏi của Đoàn kiểm tra như: Công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tạm giam, tạm giữ; thực hiện Đề án 06; số hóa dữ liệu đất đai; xét xử lưu động trên địa bàn…
Trước đó, Ban Chỉ đạo 138/CP làm việc với Ban Chỉ đạo 138 huyện Bình Giang về công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự.