Những giải pháp đồng bộ để khôi phục kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội sau dịch COVID-19 là vấn đề được cử tri tỉnh Vĩnh Long đặc biệt quan tâm. Qua theo dõi phần chất vấn và trả lời chất vấn với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cử tri tỉnh Vĩnh Long cho rằng hầu hết các vấn đề được đại biểu nêu ra đều đúng và trúng với nguyện vọng của cử tri.
Theo cử tri Nguyễn Hữu Hiệu, phường 1, thành phố Vĩnh Long, tâm dịch COVID-19 lớn nhất cả nước là Thành phố hồ Chí Minh những ngày gần đây đã tạm ổn, các địa phương khác tuy có phát sinh dịch nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, Chính phủ cần tăng cường hơn nữa năng lực điều phối, hỗ trợ xử lý dịch trên toàn quốc, điều hòa cung ứng trang thiết bị y tế kịp thời, đặc biệt là khâu điều trị F0 để người dân và doanh nghiệp yên tâm.
Cuộc “di cư” không mong muốn của người lao động từ TP Hồ Chí Minh trở về quê do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã cho thấy thực trạng đáng quan tâm là hiện có quá ít cơ hội việc làm và cơ hội phát triển cho đại bộ phận người dân lao động ở các địa phương, nhất là các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, Chính phủ cần có các giải pháp hiệu quả để thực hiện mục tiêu “ly nông không ly hương” trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đối với việc thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh trong bối cảnh tình hình mới, cử tri Nguyễn Hữu Hiệu đề xuất, Chính phủ cần chủ động, nhất quán, có lộ trình và kịch bản cụ thể để đạt được hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, Chính phủ thực hiện tốt và mở rộng quy mô các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, an sinh.
Các biện pháp hỗ trợ, định hướng không chỉ cứu các doanh nghiệp khó khăn mà còn thúc đẩy các ngành và doanh nghiệp có tiềm năng phát triển. Mặt khác, Chính phủ cần triển khai chương trình trợ giúp, nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là kiến thức và kỹ năng về tái cấu trúc, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và đào tạo nguồn nhân lực; quan tâm thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư kết nối lại các chuỗi cung ứng và mở thêm thị trường cho doanh nghiệp.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Tường Nam cho rằng, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi được quan tâm khá nhiều trên nghị trường Quốc hội. Những giải pháp tổng thể mà Chính phủ chuẩn bị để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới cơ bản đáp ứng nguyện vọng của cử tri và doanh nghiệp. Các chính sách này được cân nhắc cẩn thận trên cơ sở nguồn lực quốc gia, tính hiệu quả, tỉ lệ nợ công, tình trạng lạm phát... với những kịch bản đã được chuẩn bị. Cử tri kỳ vọng các chính sách, kế hoạch, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đề ra tại các phiên chất vấn sớm được ban hành và triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng... để kinh tế nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng cao trở lại.
Cử tri Nguyễn Tường Nam cũng mong muốn chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế từ Trung ương sẽ được lượng hóa và có sự lựa chọn phù hợp với đặc điểm kinh tế của từng địa phương, để khi kết hợp với chính sách hỗ trợ của địa phương sẽ phát huy được hiệu quả cao nhất, nhiều doanh nghiệp được thụ hưởng và sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh góp phần phục hồi kinh tế.
* Qua theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn cuối cùng, cử tri tỉnh Quảng Nam cơ bản thống nhất, đồng tình với các giải pháp hỗ trợ, khôi phục kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh… tầm vĩ mô được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại nghị trường.
Theo nhiều cử tri Quảng Nam, nhằm khôi phục sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ cần đưa ra các giải pháp có tầm vi mô hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Trần Ngọc Trung, chủ một nhà hàng ở phường An Phú, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) cho rằng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn Quảng Nam đều ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng nên hiện nay rất khó khăn về nguồn vốn. Do ngừng hoạt động kéo dài, lực lượng lao động và đầu ra của doanh nghiệp đều gặp khó khăn, vì vậy để tạo điều kiện khôi phục sản xuất, Chính phủ cần tạo cơ hội cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đầu tư sản xuất, hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp đào tạo tay nghề cho lực lượng lao động mới được tuyển dụng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có những chính sách đảm bảo đầu ra cho các doanh nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Thêm, điều dưỡng của Khoa Nội A, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch ở thành phố Tam Kỳ cho rằng, sau một thời gian dài ngừng hoạt động, giảm hoạt động, Chính phủ cần có những gói hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, đặc biệt là các gói kích cầu để các doanh nghiệp mở rộng, phát triển sản xuất, góp phần khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Chị Nguyễn Thị Thêm cũng nêu ý kiến, Quảng Nam là tỉnh có nhiều di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, có hai di sản văn hóa thế giới là Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm… thu hút đông đảo du khách đến tham quan và đây cũng là nguồn thu chủ lực của tỉnh. Ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, Chính phủ xem xét có gói hỗ trợ cho tỉnh trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh khi mở cửa đón khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng, đặc biệt là du khách quốc tế.