Việc Việt Nam chính thức tham gia Công ước từ năm 2009 là chủ trương đúng, khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Không dừng lại ở cam kết, chặng đường 13 năm qua, Việt Nam đã xác định phòng, chống tham nhũng là cuộc chiến “chống giặc nội xâm” dài lâu, đầy phức tạp, khó khăn và nguy hiểm. Cũng không chỉ là răn đe, mà Đảng coi đó là “cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây", để dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn.
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 do Bộ Chính trị tổ chức mới đây, cho biết trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trong danh sách hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, có 34 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, cùng hàng chục sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, đã bị xử lý do tham nhũng.
Riêng từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật 6 Ủy viên Trung ương Đảng, trong đó có 3 người liên quan đến "đại án" Việt Á. Cơ quan chức năng cũng đã tiến hành công tác tố tụng đối với nhiều cán bộ, đảng viên có chức, có quyền liên quan đến một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thời gian qua, nhất là gần đây như Vụ án ở Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố…
Đặc biệt, sau khi Ban Bí thư ban hành Quy định số 67-QĐ/TW, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều tỉnh, thành đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Đây là cơ sở, là “cánh tay nối dài” để Đảng tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng vỗn đã được triển khai từ nhiều năm nay.
Những dẫn chứng trên cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng khẳng định tinh thần của Đảng là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Hành động kiên quyết của Đảng đối với các cán bộ, đảng viên đã sa ngã, thoái hóa, biến chất, có hành vi lợi dụng chức quyền để tham nhũng, tiêu cực đã được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân.
Tuy nhiên, đâu đó có một số ý kiến cho rằng, việc Đảng, Nhà nước quá quyết liệt, quá tập trung vào phòng, chống tham nhũng sẽ làm chùn, nhụt những người dám nghĩ, dám làm, làm “chậm” sự phát triển đất nước. Không những vậy, còn xuất hiện giọng điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước rằng, việc xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”.
Nhưng những ý kiến đó chỉ xuất phát từ cái nhìn nông cạn, thiếu thực tiễn, từ sự suy diễn vô căn cứ, cố tình bóp méo sự thật nhằm phủ nhận chủ trương, đường lối, thực tiễn, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng; cố tình gây hiểu sai trong dư luận nhân dân về tính thượng tôn pháp luật trong xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết của chúng ta. Chúng gây tâm lý mơ hồ, hoài nghi trong cán bộ, đảng viên, nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, từ đó kích động sự chống đối của nhân dân với Đảng, với chế độ.
Thế nhưng, những luận điệu xuyên tạc, với mục đích đen tối đó không thể che mờ sự thật!
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có nhiều mặt cao hơn năm trước. Sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả; gắn phòng chống tham nhũng, tiêu cực với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự theo luật pháp.
Việc phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo và thực hiện bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng.
Đặc biệt, trong năm 2022, các hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được triển khai. Việt Nam thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; tích cực thực hiện các cam kết về phòng, chống tham nhũng trong APEC, ASEAN...
Các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức của Việt Nam đã tham gia nhiều diễn đàn, làm việc, trao đổi với nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế, qua đó chia sẻ, chọn lọc, tiếp thu nhiều kinh nghiệm, đồng thời tuyên truyền rộng rãi chủ trương, chính sách, những kết quả tích cực của Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng, tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị của Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Từ sự quyết liệt trong cuộc chiến “chống giặc nội xâm”, nhìn sang tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, sau 2 năm Việt Nam nỗ lực vượt qua đại dịch COVID-19. Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê, bình quân 11 tháng năm 2022, CPI tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước, tức là mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay dưới 4% chắc chắn sẽ đạt được.
Về tăng trưởng, thương mại, dịch vụ vẫn là điểm nhấn nổi bật nhất trong bối cảnh tăng trưởng công nghiệp có phần chậm lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng vừa rồi ước đạt hơn 514 nghìn tỷ đồng, tăng tới 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng khách quốc tế tiếp tục tăng vượt trội 23,2% so với tháng trước, lên tới 596,9 nghìn lượt. Về khu vực kinh tế đối ngoại, con số FDI thực hiện 11 tháng là mức cao nhất cùng kỳ 5 năm qua, ước đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ. Còn cán cân thương mại hàng hóa tháng 11 tiếp tục xuất siêu, với sự khởi sắc đáng chú ý của nhóm ngành nông nghiệp, giúp con số xuất siêu đạt hơn 10 tỷ USD.
Với những con số vừa nêu, tổng thu ngân sách 11 tháng đã lên tới 116% dự toán năm.
Trước sự quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực song hành với nỗ lực và thành tựu về phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, mới đây Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam đã nhận xét: Ở Việt Nam, người ta nhận thấy sự cần thiết phải giải quyết tham nhũng để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhắc lại ưu tiên thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, đồng thời kiên quyết “đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và các tệ nạn xã hội”.
Vậy là đã rõ!
Đất nước bước vào giai đoạn mới, không ngừng phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, thế và lực ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, lại có không ít cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, thực hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Những hành vi đó đã đe dọa tính kỷ luật của Đảng, tinh thần thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước, gây xói mòn niềm tin của nhân dân.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam xác định phòng, chống tham nhũng là cuộc chiến quyết liệt “chống giặc nội xâm”. Chính vì vậy mà “lò” chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhóm vẫn đang rực nóng, với niềm tin và quyết tâm “làm đến cùng, không bỏ giữa chừng”, thể hiện bằng những hành động, việc làm, kết quả cụ thể.
Xin dẫn lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm, là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước, ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người. Và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, như Bác Hồ đã dạy: “Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”.