Về vấn đề bổ sung chính sách hỗ trợ với người cao tuổi và người khuyết tật, Theo Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tại khoản 7 Mục II bổ sung chính sách hỗ trợ tiền mặt đối với người cao tuổi và người khuyết tật như sau: Người cao tuổi và người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 5 của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ, phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0) hoặc cách ly y tế theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (F1) thì được ngân sách Nhà nước hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người trong thời gian điều trị, cách ly từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Nghị quyết 126/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung: Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chính sách hỗ trợ người lao động bị ngừng việc; chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh; chính sách cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất.
Tuần qua, việc khôi phục vận tải hành khách là vấn đề được nhiều quan tâm. Tại Công điện số 1322/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để từng bước khôi phục hoạt động vận tải hành khách một cách thận trọng, an toàn, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Về khôi phục vận tải hành khách bằng đường hàng không đã được Chính phủ chỉ đạo tại Thông báo số 263/TB-VPCP ngày 8/10/2021; tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, hiện nay một số địa phương thực hiện chưa đúng chỉ đạo nêu trên cũng như chưa thực hiện đúng các quy định của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế. Yêu cầu các địa phương cần rà soát, điều chỉnh và thực hiện nghiêm các chỉ đạo nêu trên.
Giao Bộ Giao thông vận tải và Bộ Y tế giám sát, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện của các địa phương; kịp thời chấn chỉnh và xử lý theo thẩm quyền các trường hợp thực hiện chưa đúng quy định; báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý đối với trường hợp vượt thẩm quyền
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn đã ký Quyết định 1786/QĐ-BGTVT, bổ sung thêm 2 đường bay vào khai thác trong thời gian thí điểm. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải quyết định bổ sung thêm đường bay Tp. Hồ Chí Minh - Cà Mau và Hà Nội - Điện Biên vào danh sách các đường bay thí điểm mở lại đến hết ngày 20/10.
Theo quyết định này, trong thời gian từ ngày 10/10/2021 đến hết ngày 20/10/2021 thí điểm mở lại một số đường bay nội địa. Cụ thể, mỗi ngày sẽ có 38 chuyến bay, gồm 13 chuyến từ Tp. Hồ Chí Minh đi các tỉnh Bình Định, Đà Nẵng, Huế, Khánh Hoà, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Thanh Hoá, Hải Phòng, Phú Quốc, Gia Lai, Rạch Giá với tần suất 1 chuyến khứ hồi mỗi ngày.
Bên cạnh đó, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trực thuộc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, Tổ công tác đặc biệt của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh làm tổ trưởng; Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh làm tổ phó.
Tổ công tác đặc biệt còn gồm có Vụ Tổng hợp, Vụ Năng lượng, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ pháp chế, kiểm soát nội bộ, Vụ Công nghệ và Hạ tầng, Vụ Nông nghiệp, Vụ Công nghiệp, Văn phòng Ủy ban, Trung tâm Thông tin. Nhiệm vụ của Tổ công tác là chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, tích cực nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bộ Tài chính cũng có Quyết định số 1951/QĐ-BTC thành lập Tổ công tác đặc biệt của Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng thường trực. Tổ gồm 3 tổ phó và 9 thành viên là lãnh đạo một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính.
Theo đó, Tổ công tác có nhiệm vụ, quyền hạn, như chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, tích cực nắm bắt, trao đổi, tiếp cận thông tin và kịp thời có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân.
Ngoài ra, trong tuần, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng về việc triển khai Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, liên quan đến giải pháp hỗ trợ ngành hàng không.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện, hỗ trợ các hãng hàng không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phù hợp với chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và quy định hiện hành; coi nhiệm vụ hỗ trợ các hãng hàng không là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian từ nay đến cuối năm và các năm tiếp theo. Đồng thời, các tổ chức tín dụng tích cực làm việc, phối hợp với các doanh nghiệp hàng không để tư vấn, hỗ trợ, thực hiện các giải pháp tín dụng trong thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí... theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Điều này nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là Thông tư số 14/2001/TT-NHNN mới được ban hành.