Chính phủ có động thái tích cực sớm đưa các Luật về bất động sản vào cuộc sống

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV có một số Luật liên quan đến bất động sản đã ban hành sớm hơn so với dự kiến. Một số ý kiến băn khoăn điều kiện và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Điều này đã được làm rõ tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 29/6.  

Video ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ: 

Trước những băn khoăn của đại biểu khi các luật bất động sản ban hành nhưng hướng dẫn ban hành dưới luật chưa kịp, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Thái Bình cho rằng, đây là một chủ trương đúng đắn để sớm đưa các chính sách và luật pháp vào cuộc sống.

Theo ông Hiếu, Chính phủ đã thể hiện nỗ lực, quyết tâm trong việc sớm đưa các luật, các chính sách vào cuộc sống. Trong quá trình thảo luận dự luật này chỉ có một băn khoăn của một số ĐBQH là nếu đẩy sớm hiệu lực của Luật thì có đảm bảo tính khả thi, tức là có đảm bảo việc ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thi hành, để đảm bảo luật có hiệu lực đúng vào thời điểm có hiệu lực sớm. 

"Điều này chúng ta đã thảo luận rất nhiều. Chính phủ cũng đã có báo cáo chi tiết về mặt tiến độ và thể hiện những cam kết, cũng như quyết tâm bằng những giải pháp. Thậm chí Chính phủ đã và đang hành động rất quyết liệt, đồng thời chỉ đạo các cơ quan có liên quan hoàn thiện các dự thảo Nghị định cấp trung ương và địa phương, để đảm bảo Luật được ban hành và có hiệu lực theo thời điểm mới từ 1/8/ 2024", ông Hiếu cho biết. 

"Về phía Quốc hội, để đảm bảo nhiệm vụ này được hoàn thành thì trong Nghị quyết của kỳ họp Quốc hội cũng đã nhấn mạnh đến việc Quốc hội cần phải đảm bảo ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, để không xảy ra hiện tượng gọi là không có hoặc chậm ban hành văn bản, vốn dẫn đến tình trạng luật có hiệu lực nhưng không được thực thi trên thực tế", ông Hiếu nói.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, vấn đề "1 luật sửa 4 luật" phải được hiểu rõ ràng rằng sửa luật không phải vì bấp cập mà để các luật sớm đưa vào cuộc sống.

Cũng tại buổi họp báo, ông Hiếu đã trả lời liên quan tái cấp vốn 3 lần cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

"Cơ quan thẩm tra và Đại biểu Quốc hội nêu tất cả các giải pháp xét về tính cấp thiết. Nghị quyết của Quốc hội là giải pháp trước mắt và đưa hai nội dung: Thứ nhất, yêu cầu ngay tái cấp vốn 3 lần thực thi một cách có hiệu quả. Trong Nghị quyết của kỳ họp giao nhiệm vụ cho Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan, xác định rõ trách nhiệm và cam kết thực hiện các giải pháp cho vay tái cấp vốn. Thứ hai, Quốc hội cho rằng, Nghị quyết kỳ họp Quốc hội nhấn mạnh, về lâu dài cần có giải pháp căn cơ toàn diện về tài cấu trúc hàng không nói chung. Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện, tái cơ cấu lại Tổng Công ty hàng không Việt Nam.

Sáng cùng ngày, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV với 100% đại biểu có mặt tham gia biểu quyết tán thành. Tại Nghị quyết, Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Nghị quyết 135 của Quốc hội.

Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm (bao gồm 2 lần đã được gia hạn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14). Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các cơ quan liên quan và Vietnam Airlines xây dựng chiến lược phát triển toàn diện; khẩn trương hoàn thiện Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines để sớm phục hồi và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc cơ cấu lại toàn diện Vietnam Airlines theo đúng tinh thần Nghị quyết số 12 ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; xác định rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, nhất là nguyên nhân do vướng mắc về văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình xây dựng Đề án tổng thể, kiến nghị giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Lê Vân/Báo Tin tức
Bế mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Bế mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Ngày 29/6, sau 27,5 ngày làm việc nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã họp phiên bế mạc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN