Tham dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng; đại diện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế; các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, trên cơ sở của quá trình nghiên cứu trước đây, hội thảo lần này nhằm tiếp tục khẳng định tầm vóc, ý nghĩa to lớn, nguyên nhân thắng lợi, những bài học kinh nghiệm của chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh Xuân Hè 1968, đồng thời làm sáng tỏ hơn một số vấn đề cơ bản: Sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sự chủ động, sáng tạo của các cơ quan trong chỉ đạo, điều hành chiến dịch; tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí của các lực lượng tham gia chiến dịch; âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt, bản chất hiếu chiến, ngoan cố của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong việc thiết lập phòng tuyến Đường 9 - Khe Sanh để ngăn chặn nguồn chi viện chiến lược từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam qua tuyến vận tải Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định, chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, tinh thần quật khởi, quyết tâm chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân, dân ta mở chiến dịch tiến công hiệp đồng quân binh chủng, đột phá trực tiếp vào tuyến phòng ngự mạnh của quân Mỹ, đánh bại các sư đoàn thủy quân lục chiến, kỵ binh không vận của quân đội viễn chinh Mỹ, buộc chúng phải tháo chạy khỏi Khe Sanh.
Các đại biểu dự Hội thảo đã tập trung phân tích tình hình, bối cảnh trong nước và quốc tế khi diễn ra chiến dịch, quá trình chuẩn bị, đảm bảo tác chiến hiệp đồng quân binh chủng của các lực lượng, sự chi viện của hậu phương miền Bắc, đóng góp của quân, dân trên địa bàn chiến dịch; nét đặc sắc của nghệ thuật tổ chức, điều hành chiến dịch, ảnh hưởng của chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh 1968 đến thế và lực của ta trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, qua đó tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm những kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn từ thành công của chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh.
Nhận định chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh là kết quả hợp thành của nhiều nhân tố cơ bản, trong đó nghệ thuật chỉ đạo, điều hành chiến tranh độc lập, sáng tạo của Đảng giữ vai trò quyết định, theo Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, thắng lợi của chiến dịch đã thể hiện quyết định chiến lược, táo bạo, chính xác; lựa chọn đúng khu vực tác chiến và quá trình thực hiện đòn nghi binh xuất sắc của quân ta.
Quá trình diễn ra chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh có sự đóng góp to lớn của quân và dân Quân khu 4, với tinh thần đánh địch ở mọi nơi, mọi lúc, phát động phong trào toàn dân đánh giặc, tạo thành thế trận chiến tranh nhân dân với tất cả các lực lượng: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ… Thiếu tướng Trần Võ Dũng, Chính ủy Quân khu 4 khẳng định, những bài học kinh nghiệm quý báu về phát huy nhân tố chính trị - tinh thần trong chiến dịch là cơ sở quan trọng để xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu 4 vững mạnh về chính trị, tư tưởng trong giai đoạn hiện nay.
80 tham luận gửi tới hội thảo đã thể hiện rõ sự kết thừa kết quả nghiên cứu về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 nói chung, chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh nói riêng, đồng thời đi sâu luận giải những vấn đề về nguyên nhân thắng lợi, diễn biến, ý nghĩa to lớn của chiến dịch. Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng, với độ lùi 50 năm, sự kiện chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh đã được nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc hơn, đặc biệt về tầm vóc, bài học lịch sử để làm cơ sở vận dụng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trước tình hình mới.