Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh: Bài học về nghệ thuật chiến tranh cách mạng

Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh trong Xuân Hè 1968 đã đi vào lịch sử như một mốc son trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, một thành công trong chỉ đạo chiến lược của cách mạng Việt Nam, giáng đòn nặng nề vào ý chí xâm lược của đội quân viễn chinh Mỹ.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh (9/7/1968 - 9/7/2018), Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết: “Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh: Bài học về nghệ thuật chỉ đạo và điều hành chiến tranh cách mạng” của Tiến sĩ Trần Hữu Huy, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam:

 

Cuối năm 1967, cục diện chiến tranh có sự chuyển biến quan trọng theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng. Nắm bắt thời cơ chiến lược, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường miền Nam nhằm giáng đòn nặng nề vào ý chí xâm lược của đội quân viễn chinh, buộc chính phủ Mỹ phải xuống thang chiến tranh, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam chuyển sang bước phát triển mới.

Chú thích ảnh
Các chiến sỹ giải phóng sau một trận đánh tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Theo kế hoạch tác chiến chiến lược được Bộ Chính trị chính thức thông qua (12/1967), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy sẽ diễn ra vào dịp Tết Mậu Thân 1968, bao gồm hai đòn chính nhằm vào hai hướng chiến lược khác nhau: Đòn tiến công tập trung của bộ đội chủ lực tại chiến trường Đường 9 - Khe Sanh (Bắc Quảng Trị) nhằm kéo đại bộ phận lực lượng cơ động đối phương ra vòng ngoài, thực hiện nhiệm vụ nghi binh, đồng thời tổ chức đánh tiêu diệt lớn, làm phá sản chiến lược quân sự “tìm và diệt” của Mỹ; Đòn tiến công tổng hợp (kết hợp chặt chẽ quân sự, chính trị, binh vận) nhằm vào các đô thị, nơi có cơ quan đầu não, hậu cứ an toàn của địch để giành thắng lợi quyết định, buộc Mỹ phải đàm phán đi đến chấm dứt chiến tranh.

 

Trong kế hoạch hiệp đồng, chiến trường Đường 9 - Khe Sanh phải nổ súng đánh địch trước Tết Mậu Thân 1968 từ 10 đến 15 ngày, tạo điều kiện cho quân dân toàn miền đồng loạt tiến công các đô thị vào đúng đêm Giao thừa Tết Nguyên đán.

 

Ngày 6/12/1967, Quân ủy Trung ương ra quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương về mọi mặt. Thiếu tướng Trần Quý Hai, Phó Tổng Tham mưu trưởng được cử giữ chức Tư lệnh kiêm Phó Bí thư Đảng ủy. Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Lực lượng tham gia chiến đấu lúc đầu bao gồm 4 sư đoàn bộ binh (304, 320, 324, 325), 5 trung đoàn pháo binh, 3 trung đoàn pháo cao xạ, 4 đại đội xe tăng... Tổng quân số (kể cả vận tải, thông tin, hậu cần...) khoảng 60.000 người.

 

Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh nằm ngay sát phía Nam giới tuyến quân sự tạm thời, bao gồm địa bàn chủ yếu 3 huyện: Hướng Hóa, Cam Lộ, Gio Linh (tỉnh Quảng Trị), kéo dài từ khu vực Cửa Việt - Đông Hà (phía Đông) đến biên giới Việt - Lào (phía Tây). Do tính chất quan trọng về quân sự cũng như sự nhạy cảm về chính trị, nên Mỹ và chính quyền Sài Gòn xây dựng một hệ thống phòng thủ mạnh dọc theo Đường 9 nhằm “ngăn chặn sự xâm lăng từ Bắc Việt Nam”. Đến cuối năm 1967, trên tuyến phòng thủ Đường 9, địch đã tập trung 45.000 quân với đầy đủ các loại vũ khí, trang bị hiện đại. Căn cứ chính của quân Mỹ đóng tại Khe Sanh (thuộc huyện Hướng Hóa).

 

Do lún sâu vào thế bị động, tư duy quân sự phụ thuộc nặng nề vào sức mạnh vật chất, nên phía Mỹ đã có nhận định sai lầm về chiến lược, cho rằng: Quân giải phóng không đủ khả năng đánh lớn vào thành phố, mà mục tiêu chủ yếu là dồn sức đánh ở Đường 9 - Khe Sanh, sau đó chiếm hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, tạo lợi thế bước vào thương lượng.

 

Đêm 20, rạng ngày 21/1/1968, quân ta nổ súng tiến công căn cứ Khe Sanh cùng toàn bộ tuyến phòng thủ Đường 9 của Mỹ và quân đội Sài Gòn, mở đầu cho cuộc đọ sức quyết liệt, kéo dài trong cả Xuân Hè 1968. Ngay lập tức, Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV) tập trung lực lượng, bom đạn đối phó. Vào thời điểm đỉnh cao, Mỹ dồn 40% lực lượng cơ động ra “mặt trận vùng giới tuyến”, khiến tình hình chiến sự nơi đây như “thỏi nam châm cực mạnh” thu hút sự quan tâm của cả chính quyền, các hãng truyền thông cùng đông đảo nhân dân Mỹ.

 

Khi mọi sự chú ý đổ dồn vào Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, thì vào đêm Giao thừa và đêm mùng 1 Tết Nguyên đán (ngày 30-31/1/1968), quân và dân ta bất ngờ mở cuộc tiến công đồng loạt các đô thị trên toàn miền Nam, đánh thẳng vào các cơ quan đầu não địch, khiến Mỹ và chính quyền Sài Gòn “sững sờ, choáng váng”. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry A. Kissinger sau này nhận xét: “Hà Nội đã “chơi trò đấu bò”, lừa con bò tót Mỹ hung dữ ra vòng ngoài rồi dùng lực lượng quân sự của họ bất thần đánh ập vào toàn bộ các đô thị phía trong là nơi Mỹ sơ hở, làm cho bộ chỉ huy Mỹ không kịp trở tay”.

 

Chiến sự vẫn diễn ra ác liệt nhất tại Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh. Chỉ tính riêng từ ngày 21/1 đến ngày 31/3/1968, Mỹ đã sử dụng 24.000 lần chiếc máy bay chiến thuật, 2.700 lần chiếc máy bay chiến lược B52, ném xuống khu vực Khe Sanh trên 100.000 tấn bom đạn, đó là chưa kể số lượng máy bay vận tải làm nhiệm vụ tiếp tế cho các căn cứ; pháo binh Mỹ đã bắn hơn 100.000 quả đạn...; tạo nên một cuộc “phô trương” hỏa lực lớn nhất, tập trung nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại. Tuy nhiên, quân Mỹ vẫn liên tiếp bị Quân giải phóng tiến công, bao vây, lâm vào tình thế khó khăn nghiêm trọng.

 

Do thất bại nặng nề trên chiến trường cùng sự phản ứng dữ dội trong công chúng đã buộc chính phủ Mỹ phải tìm cách xuống thang chiến tranh. Ngày 31/3/1968, Tổng thống Lyndon B. Johnson tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 (Thanh Hóa) trở ra, đồng thời sẵn sàng cử đại diện đàm phán trực tiếp với Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa để bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

 

Tuy nhiên, Mỹ không dễ dàng từ bỏ chính sách chiến tranh xâm lược của mình. Sau khi đẩy lực lượng Quân giải phóng ra khỏi các đô thị, giành quyền kiểm soát thêm nhiều vùng nông thôn, từ ngày 1/4/1968, Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tiếp tục tung nhiều đơn vị thiện chiến (kể cả Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 vốn được coi là “niềm hi vọng lớn nhất của lục quân”) vào Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh nhằm cứu nguy cho lực lượng tại chỗ, đồng thời quyết tâm giành thắng lợi hòng tạo thế mạnh trong đàm phán.

 

Về phía ta, để đập tan âm mưu và hành động của địch, Quân ủy Trung ương một mặt điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức lãnh đạo, chỉ huy, mặt khác điều động thêm một số đơn vị chủ lực mạnh (trong đó có Sư đoàn 308 - Đại đoàn Quân tiên phong) vào phối hợp lực lượng tại chỗ trực tiếp tham chiến.

 

Ngày 26/6/1968, trước những khó khăn và tổn thất to lớn, Mỹ tuyên bố rút khỏi căn cứ Khe Sanh cùng nhiều cứ điểm quan trọng trên tuyến phòng thủ Đường 9. Đến ngày 15/7/1968, đợt hoạt động quân sự quyết liệt, dài ngày trên Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh trong Xuân Hè 1968 kết thúc thắng lợi.

 

Trải qua gần 6 tháng chiến đấu, quân dân Việt Nam trên Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh đã loại khỏi vòng chiến đấu 17.000 địch (có 13.000 quân Mỹ); bắn rơi, phá hủy 480 máy bay các loại cùng nhiều phương tiện chiến tranh khác. Về phía cách mạng Việt Nam, quân ta cũng chịu nhiều tổn thất. Toàn Mặt trận có gần 15.000 người thương vong, trong đó có hơn 3.000 người hi sinh, 11.683 người bị thương (có 4.394 người bị thương nặng được chuyển về tuyến sau).

 

Đặt vào bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam năm 1968, chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh trong Xuân Hè 1968 mang tầm vóc, ý nghĩa hết sức to lớn, thể hiện rõ trên một số khía cạnh chính.

 

Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh vừa là đòn nghi binh chiến lược, vừa là nơi thu hút, tiêu hao, tiêu diệt và giam chân một bộ phận lớn quân chủ lực, vũ khí, phương tiện chiến tranh địch, tạo điều kiện thuận lợi cho quân dân toàn miền thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy dịp Tết Mậu Thân 1968. Phía Mỹ hoàn toàn bị động, thua một cách bất ngờ về chiến lược, như nhà báo Mỹ Neil Sheehan thừa nhận: “Kế hoạch của phía Quân giải phóng rộng lớn và táo bạo vượt quá mức tưởng tượng của những người nước ngoài (Mỹ) và người phục vụ họ (chính quyền Sài Gòn)”

 

Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh cũng góp phần giáng đòn nặng nề vào ý chí xâm lược của đội quân viễn chinh và cả chính phủ Mỹ. Khi vào tham chiến trực tiếp tại miền Nam Việt Nam, quân Mỹ luôn chủ động đề ra những cuộc hành quân “tìm và diệt” Quân giải phóng. Nhưng tại Đường 9 - Khe Sanh, đây là lần đầu tiên nhiều đơn vị vốn được xem là tinh nhuệ bậc nhất của quân đội Mỹ bị đối phương liên tục tiến công, bao vây dài ngày, rơi vào tình thế “cá voi mắc cạn”, suy sụp tinh thần chiến đấu. Những hình ảnh thương vong, suy sụp của quân Mỹ được nhanh chóng truyền tải, công chiếu rộng rãi về nước gây nên làn sóng phẫn nộ trong công chúng, khiến phong trào phản chiến ngày càng dâng cao.

 

Giải phóng Khe Sanh - Hướng Hóa - một địa bàn có tầm quan trọng chiến lược đối với cách mạng miền Nam và cả chiến trường Đông Dương, ta có điều kiện vừa mở rộng tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, vừa tổ chức xây dựng căn cứ hậu cần vững chắc chuẩn bị cho những chiến dịch lớn giành thắng lợi về sau, mà điển hình nhất là chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào năm 1971 và cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Nhiều nhà quân sự Mỹ sau này thừa nhận: Mất vị trí Khe Sanh, ý định cắt tuyến chi viện Bắc-Nam, cắt đôi chiến trường Đông Dương của Mỹ thật sự đã bị thất bại.

 

Chú thích ảnh
Máy bay vận tải quân sự hạng nặng C 130 được Mỹ sử dụng tiếp tế chi viện cho chiến trường Khe Sanh tại Bảo tàng Khe Sanh - sân bay Tà Cơn (Quảng Trị). Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Đồng thời, chiến thắng này còn hỗ trợ tích cực cho Mặt trận đấu tranh ngoại giao, trực tiếp là Hội nghị Paris. Trước năm 1968, chính phủ Mỹ vẫn tin vào sức mạnh quân sự Mỹ sẽ giành thắng lợi, muốn đàm phán trên thế mạnh, đưa ra những điều kiện vô lí (đòi quân đội miền Bắc rút quân). Nhưng thất bại trong nửa đầu năm 1968, đặc biệt thất bại tại Đường 9 - Khe Sanh đã buộc chính quyền Tổng thống Lyndon B. Johnson phải chấp nhận đàm phán không điều kiện. Bộ Quốc phòng Mỹ sau này thừa nhận: “Việc rút lui khỏi căn cứ chính Khe Sanh trên tuyến Đường 9 đã làm giảm vị thế ngoại giao của một cường quốc muốn giành thắng lợi dựa vào sức mạnh vật chất như Mỹ”.

 

Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh trong Xuân Hè 1968 còn để lại cho cách mạng Việt Nam nhiều bài học sâu sắc, nhất là bài học thuộc về nghệ thuật chỉ đạo và điều hành chiến tranh cách mạng, như: Phát hiện thời cơ, chọn hướng tiến công chiến lược hiểm yếu để tạo sự đột biến bất ngờ, giành thế chủ động; giữ vững tư tưởng tiến công, phát huy hiệu lực tác chiến hiệp đồng binh chủng qui mô lớn; không ngừng xây dựng, củng cố phát huy vị trí, vai trò của hậu phương chiến tranh nhân dân; biết khơi dậy sức mạnh truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh. Những bài học đó được Trung ương Đảng ta chắt lọc vận dụng sáng tạo vào giai đoạn đấu tranh cách mạng tiếp theo và vẫn vẹn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

 

TTXVN/Báo Tin tức
Cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh lịch sử
Cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh lịch sử

Tối 17/6, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Khe Sanh, giải phóng huyện Hướng Hóa (9/7/1968 - 9/7/2018), Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội và UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức chương trình giao lưu “Nghĩa tình Khe Sanh”, tại Nhà Văn hóa truyền thống các dân tộc Vân Kiều và Pa Cô ở thị trấn Khe Sanh, huyện miền núi Hướng Hóa. Tham dự chương trình có đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN