Trên cơ sở nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn về văn hóa, các văn kiện Đại hội VI đã thể hiện bước tiến mới lý luận về văn hóa. Chúng tôi nêu lên những phát triển mới nổi bật về văn hóa trong các văn kiện Đại hội XI.
1- Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), sau đây gọi tắt là Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định sở hữu những vấn đề cơ bản về văn hóa.
Một là, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã đặt đúng tầm của văn hóa.
Cương lĩnh năm 1991 có đề cập đến định hướng lớn về văn hóa, nhưng tiêu đề của phần thứ “III - Những định hướng lớn về chính sách kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại”, không có “văn hóa”. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã bổ sung từ “văn hóa” vào tiêu đề thành: “III- Những định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại”. Sự bổ sung này cần thiết, vì văn hóa là một lĩnh vực lớn, không thể hiểu “ văn hóa” trong khái niệm “xã hội” được.
Những định hướng về phát triển văn hóa trong Cương lĩnh năm 1991 được viết trong điểm về chính sách xã hội và viết lẫn trong chính sách xã hội. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã đề cập đến văn hóa thành tiêu đề của một điểm.
Những sự bổ sung, phát triển trên không chỉ về mặt kỹ thuật, mà điều quan trọng sâu xa hơn, bản chất hơn là đặt văn hóa đúng với vị trí, vai trò của nó.
Hai là, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định: “Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là một trong tám đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng; khẳng định “xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội” là một trong tám phương hướng cơ bản cần quán triệt và thực hiện tốt trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng xác định mối quan hệ “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội” là một trong tám mối quan hệ lớn cần phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt.
Ba là, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định rõ hơn những định hướng lớn về phát triển văn hóa. Cụ thể như sau:
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ.
- Làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển.
- Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao.
- Phát triển, nâng cao chất lượng sáng tạo văn học, nghệ thuật; khẳng định và biểu dương các giá trị chân, thiện, mỹ, phê phán những cái lỗi thời, thấp kém, đấu tranh chống những biểu hiện phản văn hóa.
- Bảo đảm quyền được thông tin, quyền tự do sáng tạo của công dân. Phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng đồng bộ, hiện đại, thông tin chân thực, đa dạng, kịp thời, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã coi trọng phát triển văn hóa
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã coi trọng phát triển văn hóa, nổi bật là những nội dung sau:
Một là, xác định tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân ta là nội dung trong quan điểm “phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược”. Trước Đại hội XI, Đảng ta chưa trực tiếp xác định mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, mới đề cập đến mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Hai là, xác định mục tiêu về văn hóa là một yếu tố của mục tiêu tổng quát và mục tiêu chủ yếu trong Chiến lược.
Chiến lược xác định: phấn đấu đến năm 2020, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt là một nội dung của mục tiêu tổng quát. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; con người phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật là một trong những mục tiêu chủ yếu trong 10 năm tới.
Ba là, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội xác định rõ định hướng phát triển văn hóa trong 10 năm tới.
Cụ thể hóa một bước Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) về định hướng phát triển văn hóa, Chiến lược đã xác định những định hướng lớn sau:
- Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xử lý tốt mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là một động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
- Tập trung xây dựng đời sống, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh; coi trọng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý, văn hóa trong kinh doanh và văn hóa trong ứng xử.
- Chú trọng xây dựng nhân cách con người Việt Nam về lý tưởng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, thể chất, lòng tự tôn dân tộc, trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành pháp luật, nhất là trong thế hệ trẻ.
- Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
- Khuyến khích tự do sáng tạo trong hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, có sức lan tỏa lớn, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc.
- Xây dựng và nâng cấp đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Coi trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc. Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
- Nâng cao chất lượng hệ thống thông tin, báo chí, internet, xuất bản. Bảo đảm quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của nhân dân. Tiếp tục đổi mới cơ chế và nâng cao hiệu quả quản lý, đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, thông tin, hình thành thị trường văn hóa lành mạnh. Đấu tranh chống các biểu hiện phi văn hóa, suy thoái đạo đức, lối sống, tác động tiêu cực của các sản phẩm văn hóa thông tin đồi trụy, kích động bạo lực. Nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng xã, phường, khu phố, thôn, bản đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, văn minh, lành mạnh.
3- Báo cáo chính trị đã xác định trong 5 năm cần chăm lo phát triển văn hóa
Báo cáo chính trị đã khẳng định những thành tựu đã đạt được trong 5 năm qua: Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục, thể thao ngày càng mở rộng, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từng bước đi vào chiều sâu.
Báo cáo chính trị cũng thẳng thắn chỉ rõ: văn hoá phát triển chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Quản lý văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản còn thiếu chặt chẽ. Môi trường văn hóa bị xâm hại, lai căng, thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục, các tệ nạn xã hội, tội phạm và sự xâm nhập của các sản phẩm và dịch vụ độc hại làm suy đồi đạo đức, nhất là trong thanh thiếu niên, rất đáng lo ngại.
Báo cáo chính trị đã dành hẳn một phần trong 12 phần lớn để cập đến chăm lo phát triển văn hóa. Đã chỉ rõ bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần thực hiện tốt nhằm phát triển văn hóa trong 5 năm tới.
Một là, củng cố và tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng
- Đưa phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả... Xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
- Xây dựng và tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa ở tất cả các cấp, đồng thời có kế hoạch cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới một số công trình văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao hiện đại ở các trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của đất nước. Xã hội hoá các hoạt động văn hóa, chú trọng nâng cao đời sống văn hoá ở nông thôn, vùng khó khăn, thu hẹp dần khoảng cách hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, các nhóm xã hội, giữa đô thị và nông thôn.
Hai là, phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật; bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống, cách mạng
- Tiếp tục phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu chất nhân văn, dân chủ, vươn lên hiện đại, phản ánh chân thật, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước; cổ vũ, khẳng định cái đúng, cái đẹp, đồng thời lên án cái xấu, cái ác.
- Hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, về bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc. Xây dựng và thực hiện các chính sách, chế độ đào tạo, bồi dưỡng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để đội ngũ những người hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.
Ba là, phát triển hệ thống thông tin đại chúng
- Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước; khắc phục xu hướng thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích trong hoạt động báo chí, xuất bản.
- Phát triển và mở rộng việc sử dụng Internet, đồng thời có biện pháp hạn chế mặt tiêu cực, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động lợi dụng Internet để truyền bá tư tưởng phản động, lối sống không lành mạnh.
Bốn là, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về văn hóa
- Đổi mới, tăng cường việc giới thiệu, truyền bá văn hóa, văn học, nghệ thuật, đất nước, con người Việt Nam với thế giới. Mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, báo chí, xuất bản. Xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài và trung tâm dịch thuật, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.
- Tiếp thu những kinh nghiệm tốt về phát triển văn hóa của các nước, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật đặc sắc của nước ngoài với công chúng Việt Nam . Thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế về bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả các sản phẩm văn hóa. Xây dựng cơ chế, chế tài ngăn chặn, đẩy lùi, vô hiệu hoá sự xâm nhập và tác hại của các sản phẩm đồi trụy, phản động; bồi dưỡng và nâng cao sức đề kháng của công chúng, nhất là thế hệ trẻ.
PGS.TS Nguyễn Viết Thông,
Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương về Chăm lo phát triển văn hóa