Cắt giảm đầu tư công là biện pháp bắt buộc để kiềm chế lạm phát

Sáng 28/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội thảo luận, đóng góp ý kiến vào Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2011, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2012 và 5 năm 2011-2015. Nhiều vấn đề nóng về nợ công, đầu tư công, lạm phát, tái cơ cấu nền kinh tế, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm an sinh xã hội... đã được các đại biểu đặt lên bàn nghị sự.

Trước những quan ngại của nhiều đại biểu về vấn đề nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết: Tính đến 31/12/2010, tỷ lệ nợ Chính phủ là 45,7% GDP, nợ nước ngoài là 42,2%, nợ công là 57,3%. Trong kế hoạch trình Quốc hội, ước đến 31/12/2011 nợ công là 54,6%, đến 31/12/2012 là 58,4%. Chỉ số này được tính trên cơ sở dự kiến kịch bản tăng trưởng 6%, nếu như kịch bản tăng trưởng đạt được mức 6,5%, tỷ lệ nợ công sẽ thấp hơn đáng kể.

Bộ trưởng cũng cho biết Bộ Tài chính đã xây dựng xong chiến lược quản lý và phát triển nợ công đến năm 2020, đang trình Chính phủ để trình các cơ quan có liên quan xem xét, thông qua. Bộ đang chủ động xây dựng các kế hoạch trung hạn và các đề án cụ thể để thực hiện chiến lược này khi được phê duyệt. Chính phủ cũng chỉ đạo hoàn thiện cơ chế công khai minh bạch, tăng cường công tác quản lý nợ.

Đồng tình với nhận định của các đại biểu về việc không quan trọng là vay bao nhiêu mà là khả năng trả nợ thế nào, Bộ trưởng cho biết hiện nay tổng số trả nợ của Chính phủ chiếm khoảng 14 – 16% tổng ngân sách nhà nước. Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, mức trả nợ an toàn là không quá 30% tổng thu ngân sách. Thời gian tới, cùng với việc tăng cường quản lý sử dụng vốn vay, tăng cường tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là cơ cấu đầu tư công và các chỉ số vĩ mô như GDP, dự trữ ngoại hối, tỷ giá ổn định, quản lý nợ sẽ tốt hơn, không nên quá lo lắng về nợ công.

Cắt giảm đầu tư công là biện pháp bắt buộc để kiềm chế lạm phát

Nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm đến vấn đề liên quan đến thực hiện Nghị quyết 11-NQ/CP về cắt giảm đầu tư công. Làm rõ thêm để có nhận thức và đánh giá thống nhất, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: Nghị quyết 11 không yêu cầu thu hồi vốn đầu tư đã bố trí của năm 2011 của các bộ, ngành, địa phương về Trung ương. Thực tế, đến thời điểm này, Chính phủ chưa thu hồi, chưa cắt một đồng vốn nào. Việc cắt giảm ở chỗ không được kéo dài việc thực hiện các khoản vốn đầu tư mà đã cấp cho năm 2010; không cho ứng trước ngân sách của năm 2012, kể cả trái phiếu Chính phủ và ngân sách nhà nước; không cho phép khởi công mới các công trình. Đến hết tháng 9, đã cắt giảm và điều chuyển 81.500 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Chính phủ không cho khởi công mới để tránh tiếp tục dàn trải. Đối với nguồn vốn đã bố trí, các địa phương, bộ, ngành sẽ soát xét lại theo tính cấp thiết của dự án để dồn cho các dự án có thể hoàn thành trong năm 2011. Như vậy, chủ yếu là sắp xếp lại cho tập trung hơn, hiệu quả hơn, chứ không có chuyện thu về Trung ương.

Quyết tâm thực hiện đúng lộ trình cải cách tiền lương

Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết: Hiện nay, nhiều địa phương đã đề nghị Bộ Nội vụ tăng một số chức danh cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ không chuyên trách của xã, phường, thị trấn và của thôn, ấp; nâng chế độ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách hoặc đề nghị Trung ương giao cho địa phương quyết định chế độ phụ cấp. Bộ Nội vụ sẽ căn cứ đề nghị của địa phương và ý kiến đại biểu Quốc hội để tổng hợp nghiên cứu xin ý kiến Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.

Cũng theo Bộ trưởng, thực hiện chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ phối hợp các bộ, ngành xây dựng đề án cải cách chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công. Bộ Nội vụ quyết tâm cùng các ngành chức năng thực hiện đúng lộ trình thực hiện đề án này, vì đây là vấn đề có tính cấp bách, bức xúc, nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành. Từ năm 2012-2014, sẽ cố gắng điều chỉnh lương tối thiểu cho phù hợp, sau đó mới tính đến quan hệ lương tối thiểu-trung bình- tối đa và sau đó là tính đến thang lương, bậc lương, ngạch lương và chế độ phụ cấp.

Hy sinh lợi ích nhỏ vì quyền lợi của cộng đồng, đất nước

Với tư cách Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải, ông Đinh La Thăng, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cảm ơn, đánh giá cao sự đóng góp của các đại biểu Quốc hội, cử tri, các tầng lớp nhân dân về các biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông. Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp thu các ý kiến đó trong quá trình hoạch định chính sách.

Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, để giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông cần thực hiện một số nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp cơ bản lâu dài là hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời ban hành các văn bản dưới Luật đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất cao để đảm bảo pháp luật được thực thi trong cuộc sống. Bên cạnh đó, các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ cần được triển khai; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân để người dân đồng thuận thực thi nghiêm túc pháp luật, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông.

Thừa nhận các biện pháp như đổi giờ làm việc sẽ gây ra xáo trộn, ảnh hưởng đến một số người dân, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải mong các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân chia sẻ và đồng thuận thực hiện, vì quyền lợi lớn của cộng đồng và đất nước.

Thảo luận dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách năm 2012

Chiều 28/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012, đa số ý kiến thống nhất với báo cáo của Chính phủ, đánh giá cao những nỗ lực trong điều hành nền kinh tế năm 2011 trước bối cảnh chịu nhiều tác động từ khó khăn chung của kinh tế thế giới. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, triển khai đồng bộ của các cấp, ngành và địa phương, công tác thực hiện dự toán ngân sách nhà nước có nhiều cải tiến, thu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, việc thực hiện dự toán ngân sách thời gian qua vẫn bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém. Cùng với việc chi đầu tư dàn trải là tình trạng thất thu thuế lớn và kỷ luật tài chính lỏng lẻo... khiến cơ cấu thu chưa vững chắc. Về thu nội địa, mặc dù Chính phủ báo cáo thu vượt 11,3% so với dự toán, nhưng nhiều đại biểu cho rằng tình trạng gian lận thương mại, trốn lậu thuế vẫn diễn ra khá phổ biến, dẫn đến thất thu thuế.
Cơ cấu thu ngân sách nhà nước cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Một số đại biểu cho rằng, cơ cấu thu đã có sự chuyển biến theo hướng dựa vào sản xuất kinh doanh trong nước, nhưng chưa nhiều. Cơ cấu thu chưa vững chắc và phần lớn vẫn dựa vào nguồn thu từ tiền sử dụng đất, thu từ xuất khẩu khoáng sản thô. Trong khi đó, việc tiếp tục siết chặt tài chính lại là yếu tố hạn chế khả năng phát triển của nhóm doanh nghiệp trong nước, không nuôi dưỡng được nguồn thu từ nhóm này.

Nhiều đại biểu đề nghị trong năm 2012, Chính phủ cần rà soát lại các nguồn thu, có kế hoạch thanh tra, kiểm tra tăng cường chống chuyển giá, chống thất thu trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, tránh tăng thu từ tiền sử dụng đất và thu từ khoáng sản thô.

Về thực hiện dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2011, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ tập trung vào việc cắt giảm chi tiêu công, tiết kiệm 10% chi thường xuyên, nhưng tổng số chi vẫn vượt dự toán 9,7%. Mức tăng trên tương đối lớn, thể hiện việc thực hiện chính sách tài khóa trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thật sự hiệu quả, thực hiện nguyên tắc tài chính chưa nghiêm.

Góp ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, đa số đại biểu cơ bản đồng tình với dự kiến của Chính phủ trình Quốc hội theo hướng tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt; cơ cấu lại chi ngân sách, trọng tâm là cơ cấu lại chi đầu tư cho phát triển, bảo đảm bố trí có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên chi đầu tư cho con người và chi để bảo đảm an sinh xã hội, khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN