Cần ưu tiên nguồn vốn cho giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Bắc - Nam

Chiều 6/1, Kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình làm việc, thảo luận tại tổ về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Các đại biểu đoàn Hà Tĩnh đã bày tỏ thống nhất cao với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Quốc hội; cho rằng cần ưu tiên bố trí nguồn vốn để địa phương sớm thực hiện giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Bắc - Nam.

Hà Tĩnh chủ động chuẩn bị các điều kiện để triển khai dự án

Chú thích ảnh
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phát biểu thảo luận tại tổ. 

Hà Tĩnh có 109 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua, trong đó có 4,84 km thuộc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đã bàn giao mặt bằng sạch và đang triển khai thi công; đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi dài khoảng 36 km; đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng dài khoảng 54 km; có 14 km trong tổng 58 km đoạn Vũng Áng - Bùng.

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đánh giá: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong kết nối hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là giữa Khu kinh tế trọng điểm Vũng Áng với các địa phương trong cả nước, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho Hà Tĩnh cũng như khu vực miền Trung.

Để hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, theo đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của Bộ Giao thông vận tải, trước mắt đã tập trung chỉ đạo thực hiện một số việc như: Rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của Dự án đối với công tác quản lý đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng các chương trình, dự án trên địa bàn; chủ động thực hiện việc điều chỉnh hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp; giữ nguyên hiện trạng, không bố trí thực hiện các công trình, dự án của địa phương nằm trong phạm vi hướng tuyến Dự án.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng, cấp phép xây dựng; không để các tổ chức, cá nhân xây dựng, cơi nới các công trình trong phạm vi hướng tuyến Dự án, kịp thời chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm; tổ chức rà soát, kiểm đếm sơ bộ, xác định khối lượng/kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chủ động lập kế hoạch di dời các công trình nằm trong phạm vi hướng tuyến Dự án; phối hợp với các đơn vị tư vấn thỏa thuận phương án kỹ thuật phù hợp tại các vị trí hướng tuyến cao tốc giao cắt với các tuyến đường dây điện, đặc biệt là các đường dây 500kV, 220kV, 110kV và lưới điện trung, hạ áp để đảm bảo khoảng cách an toàn và các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.

Theo đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung thêm các mỏ vật liệu đất đắp nền đường; đẩy nhanh các thủ tục cấp giấy phép khai thác, nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu đất đắp nền đường để đảm bảo tiến độ triển khai dự án đường cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông, đoạn Bãi Vọt - Kỳ Anh.

Xây dựng thêm các cơ chế chính sách đặc thù

Chú thích ảnh
Đại biểu Trần Đình Gia, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh nêu một số kiến nghị liên quan Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông. 

Để đảm bảo tiến độ, chất lượng triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong đó có đoạn qua địa bàn Hà Tĩnh, đại biểu Trần Đình Gia, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh nêu một số kiến nghị nhằm tăng cường giám sát, bảo đảm chất lượng công trình, quản lý và phát huy hiệu quả công trình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân sinh.

Liên quan đến hình thức đầu tư, ông Trần Đình Gia cho rằng, do hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công-tư thiếu ổn định; một số hạn chế của các dự án giao thông theo hình thức Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) giai đoạn trước vẫn chưa được xử lý dứt điểm; thị trường vốn còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro và không hấp dẫn các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng, do đó, việc Chính phủ đề xuất đầu tư Dự án theo hình thức đầu tư công là phù hợp.

Đại biểu Trần Đình Gia cũng đồng tình với phương án tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập và giao cho địa phương tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, theo đại biểu, các địa phương có đường cao tốc đi qua lại có quy mô ngân sách rất hạn hẹp, chưa thể cân đối nên ngân sách nên Trung ương cần ưu tiên bố trí nguồn vốn để địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, cần tạo cơ chế đặc thù như áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; kèm theo yêu cầu tiết kiệm dự toán giá trị gói thầu; gắn với đó là hình thức thưởng tiến độ từ kinh phí tiết kiệm.

Hiện nay, Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã bắt đầu hư hỏng, xuống cấp và bị quá tải, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông và hạn chế khả năng lưu thông hàng hóa trên trục dọc Bắc - Nam, nhất là đoạn qua Khu kinh tế Vũng Áng. Ông Trần Đình Gia cho rằng, việc sớm đầu tư hoàn thành đoạn cao tốc Bãi Vọt - Vũng Áng để phục vụ vận chuyển nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm cho Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II, Tổ hợp dự án của Tập đoàn Vingroup tại Khu kinh tế Vũng Áng… là hết sức cần thiết và cấp bách.

Đại biểu Trần Đình Gia đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư để hoàn thành đoạn cao tốc Bãi Vọt - Vũng Áng trước năm 2025; chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải sớm bàn giao mốc giải phóng mặt bằng vào đầu năm 2022 và bố trí nguồn vốn để địa phương chủ động triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ dự án.

Về các nội dung liên quan đến phương án kỹ thuật, thiết kế sơ bộ, đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Trong các bước tiếp theo, đại biểu đề nghị chủ dự án nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến mà tỉnh Hà Tĩnh đã tham gia ý kiến với Bộ Giao thông vận tải về phương án thiết kế sơ bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn Bãi Vọt - Vũng Áng và Vũng Áng - Bùng.

Riêng đối với vị trí kết nối đường cao tốc với thành phố Hà Tĩnh, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với tỉnh để khảo sát, xác định vị trí nhằm xác định đúng nhu cầu vận tải, khai thác của đường cao tốc nhưng đồng thời hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng, quỹ đất, quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương.

Tin, ảnh: Hoàng Ngà (TTXVN)
Kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV: Tăng cường phân quyền cho các địa phương là phù hợp
Kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV: Tăng cường phân quyền cho các địa phương là phù hợp

Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 6/1, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN