Các đại biểu đã thống nhất cao với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Chính phủ đã trình trong thực hiện gói tài khóa, tiền tệ để thúc đẩy khôi phục, phát triển kinh tế sau những tác động của dịch COVID-19. Theo các đại biểu, nghị quyết này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đối phó với dịch COVID-19, đồng thời giúp đất nước sớm khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội.
Các đại biểu cũng cho rằng, để các chính sách hỗ trợ sớm đi vào thực tiễn, đạt hiệu quả cao, Chính phủ phải chịu trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện và báo cáo định kỳ với Quốc hội tại các kỳ họp. Đồng thời, công tác giám sát thực hiện chính sách cần được coi trọng. Trong quá trình giám sát có thể điều chỉnh lại, chủ động, linh hoạt, thích ứng với thực tế. Dự kiến thời gian cơ bản thực hiện các chính sách trong 2 năm 2022, 2023 là rất khó, vì còn phải ban hành các hướng dẫn cụ thể. Vì vậy các đại biểu cho rằng, để các chính sách đi vào cuộc sống, cần thiết phải kéo dài thời gian thực hiện để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Góp ý thêm về Dự thảo Nghị quyết, đại biểu Trần Đình Chung (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng) cho rằng: Về chính sách thuế, dự kiến sẽ giảm, miễn một số loại thuế, phí cho các doanh nghiệp, trong đó, nổi bật là việc giảm thuế giá trị gia tăng VAT 2%. Việc này cần rà soát, quy định cụ thể các mặt hàng thực sự cần thiết phục vụ cho giai đoạn hiện nay, tránh phát sinh các trường hợp trục lợi chính sách.
Đại biểu Trần Đình Chung cũng cho rằng, trong giai đoạn vừa qua, người lao động gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những người từ địa phương khác đến các thành phố lớn, phải đi thuê nhà, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Việc hỗ trợ thuê nhà, mua nhà ở xã hội cho người lao động là rất cần thiết, nhưng phải có phân định cụ thể, rõ ràng hơn. Cần phải làm rõ mức hỗ trợ cho từng đối tượng, đảm bảo công bằng, hợp lý. Đồng thời phải có thống kê, dự kiến số người cần hỗ trợ, thời gian hỗ trợ thật rõ ràng, minh bạch để người lao động yên tâm sản xuất, sinh sống.
Đại biểu Trần Chí Cường, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng cũng đồng tình với các chính sách trong Dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu góp ý thêm: Việc xác định trần nợ công, nợ phải trả của Chính phủ đến cuối năm 2025 cơ bản nằm trong khung của kế hoạch tài chính, ngân sách 5 năm 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua. Phần bội chi ngân sách mới xác định năm 2021 là 5,1% (cao hơn mức trung bình của Kế hoạch 5 năm là 3,7%), dự tính bội chi năm 2022 là 5,1%. Vậy cần tính toán mức bội chi năm 2023 và dự đoán tổng mức bội chi trong 5 năm để không vượt quá ngưỡng trung bình mà Quốc hội đã thông qua. Đại biểu Trần Chí Cường cho rằng cần tính toán để sau gói phục hồi này, chúng ta hy vọng có thể đạt khả năng tăng trưởng về kinh tế và bội chi các năm sau sẽ không cao như hai năm 2021, 2022.
Đại biểu Trần Chí Cường cũng thống nhất quan điểm tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế để kích cầu thị trường, phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhưng với việc giảm thuế VAT 2% thì phải xác định rõ áp dụng với các đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề nào có thể kích cầu mạnh; không nên áp dụng chính sách với những mặt hàng sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá, rượu bia... Như vậy, việc hỗ trợ sẽ đúng trọng tâm, trọng điểm và công tác giám sát thực hiện sẽ đạt kết quả cao hơn.
Theo đại biểu Trần Chí Cường, cần có hỗ trợ lãi suất khoảng 2% cho việc xây dựng, cải tạo các khu nhà chung cư, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân... Thực tiễn cho thấy, việc giúp cho công nhân an cư, lạc nghiệp, tránh dịch chuyển nguồn lao động là điều rất cần thiết. Chúng ta cần có các chính sách về lãi suất, tài khóa hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các loại hình nhà ở cho công nhân để tăng tính bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thời gian tới. Tuy nhiên cũng cần quy định rõ đối tượng, phạm vi, điều kiện vay vốn, cũng như có sự kiểm soát đồng bộ giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để tránh việc trục lợi chính sách trong đầu tư về hạ tầng, nhà ở công nhân.
Đối với các chính sách phục hồi lĩnh vực du lịch, đại biểu Trần Chí Cường cho rằng hoạt động du lịch có tính chất đặc thù cao, khi khôi phục được hoạt động này thì cũng đồng thời khôi phục được hoạt động thương mại và xuất khẩu tại chỗ. Vì vậy, chính sách khôi phục hoạt động du lịch phải có tính dự báo cao; có kế hoạch cụ thể, dài hơi, linh hoạt hơn để có thời gian xây dựng được hoạt động, sản phẩm du lịch và thu hút du khách, thị trường quốc tế. Cần có kết nối giữa ngành Du lịch, ngành Y tế cùng các ngành khác để phối hợp khơi thông ngành Du lịch và kích hoạt được các hoạt động thương mại nói chung.