Thưa ông, tại phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, việc có đưa trang thông tin điện tử và mạng xã hội vào phạm vi điều chỉnh của Luật Báo chí hay không đã được tranh luận rất sôi nổi. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Theo tôi, việc đưa trang thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức vào Luật Báo chí để quản lý là cần thiết, vì đó là những trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động và đó là hoạt động có tính chất báo chí. Nhiều trang tin điện tử không chỉ đăng những thông tin nội bộ của cơ quan, tổ chức mình mà còn trích lại nhiều tin, bài từ báo in, báo điện tử. Việc đưa trang thông tin vào điều chỉnh trong luật sẽ đảm bảo quyền cạnh tranh bình đẳng giữa báo chí với các trang tin này. Bởi thực tế, các báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình phải thông tin một cách toàn diện, đa dạng, gồm cả những thông tin mà không chắc nhiều độc giả quan tâm. Nhiều trang thông tin điện tử chỉ đăng lại những tin, bài "nóng" đang thu hút sự quan tâm của xã hội. Vì thế, nếu không được điều chỉnh thì chắc chắn có sự cạnh tranh không công bằng giữa trang thông tin điện tử với các báo và các báo rất khó phát hành.
Tuy nhiên, đối với trang mạng xã hội (blog, fanpage, facebook...), tôi cho rằng nếu đưa vào Luật Báo chí để quản lý thì sẽ không khả thi. Lý do là số lượng các trang mạng này vô cùng lớn. Bên cạnh đó, nhiều người dùng không sử dụng tên thật, không có địa chỉ rõ ràng, nhiều trang còn đặt máy chủ ở nước ngoài, nên các cơ quan nhà nước muốn quản lý cũng khó có thể thực hiện được. Một điều cũng cần cân nhắc là, nếu đưa trang mạng xã hội vào Luật Báo chí thì sẽ không phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về không tư nhân hóa báo chí.
Trước mắt, các trang này nên được tiếp tục quản lý bằng Nghị định 72/NĐ-CP.
Hiện nay, trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 174 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Nếu đưa trang thông tin điện tử vào Luật Báo chí có gây nên sự chồng chéo trong quản lý không thưa ông?
Nếu đã đưa trang thông tin điện tử vào Luật Báo chí thì chỉ quản lý bằng luật này thôi vì luật cao hơn nghị định. Còn Nghị định 72 sẽ điều chỉnh các trang mạng xã hội.
Thực tế, nhiều người dân, đặc biệt là các bạn trẻ thường tiếp cận thông tin chủ yếu qua mạng xã hội vì thông tin nhanh và hấp dẫn. Nếu không điều chỉnh các trang này liệu có gây ra lỗ hổng trong kiểm soát thông tin không thưa ông?
Đầu tiên, tôi phải nhấn mạnh là các trang mạng xã hội vẫn đang được các văn bản pháp luật điều chỉnh. Tuy các trang mạng xã hội là phương tiện của cá nhân sử dụng để thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do tiếp cận thông tin,... nhưng nếu các chủ trang mạng lợi dụng những phương tiện này để vi phạm pháp luật, xâm hại quyền lợi hợp pháp của các chủ thể khác thì họ sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Tuy nhiên, hiện tượng các trang mạng xã hội hấp dẫn độc giả bởi những thông tin sốt dẻo là kinh nghiệm cho báo chí hiện nay. Báo chí muốn hấp dẫn thì phải thông tin kịp thời, đầy đủ, khách quan hơn để đáp ứng nhu cầu của độc giả. Trong những yêu cầu này, tính trung thực, khách quan phải đặt lên hàng đầu. Nội dung báo chí phải chính xác chứ không thể thông tin theo kiểu “nghe đồn”, "nghe nói" hoặc nay đưa tin mai cải chính được. Làm được những điều này, tôi tin là sẽ lấy lại được niềm tin, sự hào hứng từ phía bạn đọc.