Cần phối hợp liên ngành để phát triển y tế biển, đảo

Ngày 31/3, tại Trung tâm Y tế Vietsovpetro (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã diễn ra hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020”.

Tham dự hội nghị có đại diện Bộ Y tế, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, đại diện 28 tỉnh, thành phố ven biển trên cả nước và các bệnh viện tuyến Trung ương.

Bác sĩ, nhân viên Trung tâm y tế quân dân y Bạch Long Vĩ khám chữa bệnh cho người dân, chiến sĩ trên đảo. Ảnh: Nguyễn Văn Quân/TTXVN

Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” gọi tắt là đề án 317 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 2/2013, nhằm bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chiến lực biển Việt Nam đến năm 2020.

Khó khăn lớn nhất của đề án 317 là không có nguồn kinh phí tập trung từ Trung ương, các địa phương thực hiện đề án dựa vào ngân sách của tỉnh và phải huy động nguồn lực từ nhiều phía. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, 28 tỉnh thành ven biển thực hiện đề án 317 đều đạt những kết quả nhất định như tổ chức hàng trăm lớp tập huấn tự bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho ngư dân; hàng ngàn tủ thuốc đã được các địa phương vận động kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau để trang bị trên các tàu đánh bắt xa bờ; các bệnh viện thuộc các huyện đảo: Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang), Lý Sơn (Quảng Ngãi)… được các địa phương nâng cấp, đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân…

Bộ Y tế cũng đã triển khai dự án “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn”; đề án luân chuyển cán bộ tuyến trên về giúp đỡ tuyến dưới theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” ; 100% người dân các huyện đảo, xã đảo đã được thụ hưởng các chính sách ưu đãi về bảo hiểm y tế…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đề nghị cần có sự phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành Trung ương với chính quyền địa phương trong thực hiện đề án 317. Ông Tuấn cũng đề nghị Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức điều phối hệ thống vận chuyển cấp cứu trên biển bằng các phương tiện địa phương, bộ ngành quản lý; đề xuất đóng mới, hoán cải tàu biển hiện đại để có đủ điều kiện cấp cứu điều trị trên các tàu cảnh sát biển, quân sự; tăng cường kết hợp quân dân y, củng cố y tế cơ sở.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần rà soát xây dựng dự án nâng cao năng lực các Trung tâm y tế để phục vụ y tế biển đảo. Ngoài ra, Ban quân dân y tỉnh, thành phố nghiên cứu các giải pháp tăng cường kết hợp quân dân y củng cố y tế cơ sở, sẵn sàng đáp ứng các tình huống khẩn cấp, phòng chống dịch bệnh, xây dựng thế trận phòng thủ trên đảo…

Hoàng Nhị (TTXVN)
Y tế biển đảo ngày càng được cải thiện
Y tế biển đảo ngày càng được cải thiện

Nếu như trước đây chiến sỹ, ngư dân lao động trên ngư trường biển đảo gặp khó khăn, lo lắng trong việc khám chữa bệnh, đặc biệt là những tai nạn đòi hỏi phải phẫu thuật, thì bây giờ họ đã yên tâm hơn bởi hệ thống y tế tại biển đảo đã dần "thay da, đổi thịt".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN