Các ý kiến đại biểu Quốc hội tập trung góp ý về thẩm quyền xử phạt; bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước”; đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính; các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính...
Đối với thẩm quyền xử phạt, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về các chức danh có thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền xử phạt của các chức danh. Một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung thẩm quyền xử phạt của một số chức danh cụ thể và bổ sung một số thẩm quyền cụ thể của một số chức danh. Về việc bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước”, một số ý kiến đại biểu đề nghị không nên bổ sung biện pháp cưỡng chế này. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đại biểu cho rằng việc quy định biện pháp này là cần thiết nhưng chỉ áp dụng trong một số lĩnh vực cụ thể.
Các đại biểu cơ bản tán thành với quy định về đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính của dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với một số đối tượng cụ thể. Ngoài ra, về kỹ thuật lập pháp (khoản 1 Điều 96) quy định về đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với quy định dẫn chiếu đến Luật Phòng, chống ma túy; đồng thời, cũng có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể trong Luật này.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp nghiên cứu thời điểm có hiệu lực của Luật để bảo đảm đủ thời gian Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến Luật sửa đổi này và tổ chức triển khai thi hành Luật. Đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội.
Trong phiên họp chiều, các đại biểu Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.
Cơ bản ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu thảo luận về một số nội dung như: phạm vi điều chỉnh; khái niệm thỏa thuận quốc tế; về bên ký kết Việt Nam; nguyên tắc ký kết thỏa thuận quốc tế, các lĩnh vực không ký kết thỏa thuận quốc tế và các hành vi bị nghiêm cấm; ngôn ngữ của thỏa thuận quốc tế; cơ quan quản lý nhà nước về thỏa thuận quốc tế; rà soát, đối chiếu văn bản thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ trước khi ký; thủ tục ủy quyền thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ; thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế…
Về bên ký kết Việt Nam, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc mở rộng chủ thể ký thỏa thuận quốc tế về phía Việt Nam đến UBND cấp huyện và UBND cấp xã. Từ thực tiễn nhu cầu ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của UBND cấp huyện, UBND cấp xã, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý như nội dung này được thể hiện trong dự thảo Luật. Đối với cấp xã chỉ mở rộng đến các xã, đơn vị cấp xã thuộc khu vực biên giới và với những điều kiện, phạm vi nhất định; cũng có ý kiến đại biểu đề nghị nghiên cứu mở rộng thêm chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế như các bệnh viện, các học viện và trường đại học. Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu nhất trí quy định về nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế như trong dự thảo Luật nhưng cũng có ý kiến đề nghị cần bổ sung thêm một số nội dung cho chặt chẽ hơn.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị sau phiên họp này, Thường trực Ủy ban Đối ngoại tiếp tục phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua vào đợt 2 của kỳ họp này.
Ngày mai 23/10, buổi sáng, các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và thảo luận trực tuyến về dự án Luật. Trong phiên họp chiều, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.