Cần nghiên cữu kỹ việc thêm chức năng giám định âm thanh, hình ảnh

Cần nghiên cứu kỹ lưỡng việc thêm chức năng giám định âm thanh, hình ảnh - đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) chia sẻ ý kiến khi đề cập đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vào sáng 25/11.

Đánh giá việc sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp là yêu cầu cấp thiết khách quan, đại biểu Trần Hồng Nguyên cho rằng, việc sửa đổi nhằm khắc phục một số tồn tại, hạn chế, khó khăn hiện nay trong tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của hoạt động tố tụng trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
 Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa/ TTXVN

Liên quan đến những ý kiến nhiều chiều xung quanh quy định tại dự thảo, Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh, đại biểu Trần Hồng Nguyên cho rằng: Đây là nội dung hoàn toàn mới, chưa được đặt ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật; hồ sơ dự án Luật của Chính phủ trình Quốc hội chưa có báo cáo, đánh giá đầy đủ về vấn đề này.

“Việc giám định âm thanh, hình ảnh sau khi Luật Tố tụng hình sự có hiệu lực là rất cần thiết. Hiện nay, Bộ Công an có nói rằng việc giám định này chưa có áp lực gì lớn, nhưng đó là trong bối cảnh chưa thực hiện theo Luật Tố tụng hình sự. Khi đã thực hiện theo Luật Tố tụng hình sự, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì yêu cầu về việc giám định âm thanh, hình ảnh là rất lớn. Nhưng hồ sơ của Chính phủ trình Quốc hội có nêu rõ việc đề xuất này chưa được đánh giá, chưa tiến hành tổng kết, rồi nhân sự, kinh phí con người chưa được đề cập. Mặc dù tôi ủng hộ có đủ các cơ quan đáp ứng được yêu cầu giám sát âm thanh, hình ảnh nhưng tôi nghĩ nội dung này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng tiếp”, đại biểu Trần Hồng Nguyên.

Bên lề Quốc hội, đề cập đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội biểu quyết chiều 25/11, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) cho biết, dự thảo Luật có nhiều điểm tiến bộ so với trước đây. Trong đó, điểm tiến bộ thứ nhất là “bỏ viên chức suốt đời” và thi tuyển công chức, viên chức thể hiện sự minh bạch hơn.

Cho rằng quy định này là điều rất tốt, nó giúp những người vào được bộ máy công quyền luôn nỗ lực, phấn đấu lao động, làm việc để không còn ý nghĩ đã vào được bộ máy, đã làm được công chức, viên chức “suốt đời” là không còn động lực để cố gắng phấn đấu, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu nhấn mạnh: Chúng ta cần phải kiểm định lại công chức, viên chức theo từng giai đoạn, từng thời kỳ để nếu trường hợp công chức, viên chức đó không đáp ứng được yêu cầu thực tế cần phải loại ra, thay thế khỏi bộ máy để lựa chọn, đưa vào những người tốt hơn.

Nêu quan điểm trước các quy định về tìm nhân tài, đãi ngộ nhân tài để tuyển dụng, đại biểu đoàn Khánh Hòa cho rằng xác định nhân tài là rất khó. “Quy định là theo bằng cấp nhưng bằng cấp bây giờ rất khó phân định là bằng cấp đó có tương xứng với chất lượng học vấn của người học hay không? Quy định tài năng là do năng lực làm việc nhưng vấn đề này người ta phải làm việc mới biết được tài năng của họ. Vì vậy, thế nào là nhân tài đòi hỏi phải có tiêu chí rất rõ ràng, minh bạch, lúc đó mới không bị lợi dụng việc tuyển nhân tài để đưa con cháu, người thân quen vào bộ máy công quyền”, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu băn khoăn.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV
Tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Trong tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 8 (từ 25-27/11), Quốc hội hoàn tất quy trình công tác nhân sự bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN