Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 16/3 của Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Công Thương được đông đảo cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Phóng viên TTXVN ghi nhận ý kiến cử tri tại Hà Nội, Đà Nẵng và Bình Dương.
Cử tri quan tâm vấn đề giá xăng dầu, thương mại điện tử
Theo dõi phiên chất vấn, cử tri thành phố Đà Nẵng cho rằng, các nội dung chất vấn trong buổi sáng đã phản ánh được những vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm như công tác điều hành giá xăng dầu, xuất nhập khẩu nông sản, phòng, chống hàng giả, hàng nhái...
Tuy nhiên, nhiều cử tri cho rằng, để tiết kiệm thời gian các đại biểu cần nêu câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề. Thời gian trả lời của các Bộ trưởng có thể dài hơn so với quy định, tùy tính chất, mức độ quan trọng của vấn đề. Bên cạnh đó, cần có thêm thời gian để các đại biểu và các Bộ trưởng tranh luận, giải thích cụ thể những vấn đề cử tri quan tâm.
Theo Đại tá Trần Đình Chung, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, các lĩnh vực được lựa chọn để tiến hành chất vấn thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian gần đây. Trong đó, việc giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân, công nhân, người lao động khi thu nhập không kịp tăng theo giá thị trường.
Đại biểu Trần Đình Chung cho rằng, cần sớm có phương án, giải pháp cụ thể hơn nhằm giải quyết căn cơ vấn đề. Ví dụ, Bộ cần sớm có phương án khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn năng lực sản xuất kém, không đảm bảo cung ứng cho thị trường như những tháng vừa qua. Trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cần được Chính phủ, các bộ, ngành đặc biệt quan tâm.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Bảo Trân cũng cho rằng, giá xăng tăng đã tác động lên đời sống của công nhân lao động. Bởi lẽ lương của họ hiện còn rất thấp so với giá các mặt hàng tiêu dùng trên thị trường.
Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân trăn trở về giá xăng hiện còn có thể biến động tăng giảm nhưng các loại hàng hóa thị trường một khi tăng sẽ khó giảm xuống trong khi mức thu nhập của người lao động không tăng. Vì vậy, để giúp người lao động giảm một phần chi phí, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh phối hợp với doanh nghiệp, nhà sản xuất ký kết chương trình phúc lợi đoàn viên để cung cấp hàng hóa hỗ trợ công nhân đến tận công ty, khu công nghiệp.
Sau khi theo dõi phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cử tri Hoàng Long, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Bình Dương cho rằng, việc giá xăng biến động như hiện nay là do bị tác động từ thế giới. Ngành nghề bán lẻ siêu thị chịu sức ép lớn do chi phí giao hàng đang tăng.
Theo cử tri Hoàng Long, việc Chính phủ giảm thuế VAT 2% không đáng kể so với việc giá xăng tăng 20-30%, dự báo sau còn có thể tăng nữa. Hiện nay, các mặt hàng nông sản tại hệ thống siêu thị đều bình ổn giá vì có chuỗi cung ứng ổn định, tuy nhiên các nhà vận chuyển mặt hàng nông sản đang đòi tăng giá do giá xăng biến động.
Cử tri Nguyễn Thị Mai Anh sống tại Bình Dương cho rằng, Nhà nước cần công khai cụ thể việc đánh thuế cao trong mua xăng là nghĩa vụ chính đáng để người dân cảm thấy việc chịu thuế là hợp lý.
Là người thường xuyên mua hàng online, cử tri Nguyễn Đức Thảo Vy (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) quan tâm đến vấn đề phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đặc biệt là trong thương mại điện tử. Theo cử tri Thảo Vy, phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã cơ bản nêu được các cách thức quản lý thương mại điện tử, việc mua bán hàng qua mạng hiện nay. Tuy nhiên hiện nay vẫn cần siết chặt, tăng cường trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử trong quản lý hoạt động buôn bán của chủ cửa hàng. Thực tế vẫn còn tình trạng chủ cửa hàng bán hàng lỗi, hàng giả, hàng nhái nhưng người tiêu dùng chưa được bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Cần giải quyết bất cập trong điều hành giá xăng dầu
Theo dõi phiên chất vấn qua sóng truyền hình, cử tri Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng rất quan tâm đến các giải pháp bình ổn giá xăng dầu.
Cử tri Tô Văn Hiệp cho rằng, giá xăng dầu liên tục tăng trong thời gian qua là "cú sốc" rất lớn đối với ngành vận tải nói riêng và các doanh nghiệp nói chung. Hiện nay, các doanh nghiệp vận tải đang cố gắng cân đối thu chi để có thể hòa vốn nhưng nếu giá nhiên liệu tiếp tục tăng có thể dẫn tới lỗ vốn, phải tạm nghỉ. Trong khi đó, áp lực hàng hóa đang lớn dần theo tốc độ hồi phục của chuỗi cung ứng.
“Nếu các hãng vận tải không thể hoạt động hàng hóa sẽ bị dồn ứ tại các cửa khẩu, cảng, thiệt hại rất lớn. Vì vậy đây là lúc Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ, ngành cần vào cuộc mạnh tay, xem xét miễn giảm thuế, phí hoặc thậm chí bù giá nhiên liệu để hỗ trợ ngành vận tải”, cử tri Tô Văn Hiệp nêu ý kiến.
Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, những bất cập trong việc điều hành thị trường xăng dầu thời gian qua là do bất cập cả về cung cách và cơ chế điều hành. Vì vậy, mới dẫn đến tình trạng mỗi khi sắp đến kỳ điều chỉnh tăng giá xăng dầu là người dân xếp hàng dài đổ xăng, còn nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu "găm hàng" chờ tăng giá.
Cụ thể là cơ chế điều hành 10 ngày/chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP vừa được áp dụng gần 3 tháng nay tiếp tục bộc lộ những bất cập. Cứ phải đợi 10 ngày nên khó tránh tại một số thời điểm phải đối diện với vòng luẩn quẩn "tăng thì thấy nhanh, giảm cứ thấy chậm". Trong khi đó, tình hình bất ổn giữa Nga và Ukraina khiến giá xăng dầu có xu hướng tiếp tục tăng mạnh, nếu không có giải pháp kiềm chế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, có thể các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa ban hành sẽ không đạt được mục tiêu.
Lý giải về điều này, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường cho rằng, do công tác theo dõi đánh giá kết quả sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu không sát thực tiễn, dự báo diễn biến thị trường thiếu thực tế dẫn đến việc điều hành thiếu chủ động (thậm chí bị động), chưa linh hoạt, thiếu các kịch bản ứng phó thích hợp với những đột biến xảy ra.
Ngoài ra, theo quy định, việc điều hành giá theo chu kỳ 10 ngày, nếu kỳ điều hành giá rơi vào ngày nghỉ lễ, Tết thì lùi sang kỳ điều hành giá tiếp theo (20 ngày). Điều này làm cho giá trong nước luôn "lệch pha" với giá thị trường thế giới bởi giá thế giới thì tăng hàng ngày trong khi giá trong nước kìm lại 10 ngày (thậm chí 20 ngày) không tăng theo.
Mặt khác, quy trình lấy giá thế giới bình quân của kỳ trước để áp dụng cho chu kỳ sau, trong khi thực tế giá chu kỳ sau đã tăng hơn... luôn làm cho giá vốn cao hơn giá bán lẻ hiện hành, gây lỗ cho doanh nghiệp và tất yếu xảy ra hiện tượng "găm hàng", chờ giá tăng, thiếu hụt nguồn cung.
Theo Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường, bất cập về chu kỳ điều chỉnh giá này cần được sửa đổi cho phù hợp với biến động của thị trường, theo hướng bãi bỏ chu kỳ điều hành 10 ngày một lần thay bằng hàng ngày. Nếu chưa làm được theo biến động hàng ngày như thế giới đang làm trước mắt có thể là 5 ngày phù hợp với phương thức mua bán hiện nay của các thương nhân xăng dầu.
Đồng quan điểm này, cử tri Phạm Tâm Hiếu, ở phố Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, xăng dầu "nóng" không chỉ về giá, về nguồn cung mà còn về chiết khấu hoa hồng. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu "kêu" đang lỗ hàng nghìn tỉ đồng vì chiết khấu hoa hồng về 0 nhưng vẫn phải hoạt động để đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường.
Theo cử tri Phạm Tâm Hiếu, nguyên nhân dẫn đến bất cập trong điều hành giá xăng dầu thời gian vừa qua không phải do doanh nghiệp lỗi kinh doanh kém mà là lỗi của cơ chế. Đây là một "nút thắt" mà doanh nghiệp không thể tự cởi. Do đó, cần cải cách mạnh hơn trong điều hành kinh doanh xăng dầu để thực hiện đúng theo cơ chế thị trường. Đó là cần thực hiện đa dạng hóa thành phần kinh tế tham gia; đa dạng hóa phương thức kinh doanh, gồm cả các phương thức kinh doanh trong thị trường phái sinh. Nhà nước cần linh hoạt điều chỉnh, công bằng cho cả lúc giá lên lẫn lúc giá xuống: không tăng nhanh giảm chậm, nhưng cũng không thể tăng chậm giảm nhanh.