Câu hỏi ngắn, trả lời nhanh
Đây là phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của UBTVQH trong nhiệm kỳ khóa XV và kể từ phiên họp tháng 8 năm 2019 đến nay và được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại phòng họp Diên Hồng và kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để tiến hành chất vấn.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội, tiếp nối thành công của phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, thời gian qua, cùng với việc các cơ quan của Quốc hội đã tổ chức một số phiên giải trình, thì phiên chất vấn lần này của UBTVQH tiếp tục cho thấy hoạt động giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã được thực hiện thường xuyên, liên tục, có những chuyển biến tích cực, thực chất, được dư luận và cử tri đánh giá cao, khẳng định đây là hoạt động giám sát trực tiếp hiệu quả của Quốc hội, góp phần lan toả tinh thần đổi mới, linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động giám sát và hoạt động của Quốc hội, luôn luôn bám sát thực tiễn và hơi thở cuộc sống, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước.
Để chuẩn bị cho phiên chất vấn lần này, trước diễn biến phức tạp của dich COVID-19, với tinh thần trách nhiệm, nổ lực cao, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ, khoa học, cố gắng chuẩn bị tốt nhất về các điều kiện tổ chức cũng như nội dung phiên họp, trên cơ sở tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thực tiễn đời sống của nhân dân, tổng hợp đề xuất chất vấn của đại biểu Quốc hội thông qua văn bản tập hợp kiến nghị của 54 Đoàn đại biểu Quốc hội, phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, ý kiến, kiến nghị của cử tri, ý kiến về kinh tế - xã hội được đại biểu Quốc hội quan tâm từ kỳ họp thứ 2 đến trước phiên họp thứ 9, căn cứ quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, UBTVQH đã quyết định tổ chức chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề; cụ thể, là nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của ngành Công Thương liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
Phát biểu khai mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Đây là hai nội dung chất vấn có phạm vi rộng, ảnh hưởng và tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân; quản lý nhà nước không chỉ tập trung ở 2 bộ quản lý nghành nêu trên mà còn liên quan đến các Bộ nghành liên quan, thời gian chất vấn không nhiều.
“Do đó, để đảm bảo hiệu quả của phiên chất vấn, UBTVQH đề nghị các vị đại biểu trên cơ sở các tài liệu đã được gửi, quá trình công tác, kinh nghiệm thực tiễn, nghiên cứu kỹ, mỗi nhóm vấn đề chất vấn cần tập trung vào 2 nội dung, thứ nhất là liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã ban hành như (Nghị quyết số 134/2020/QH14, Nghị quyết số 82/2019/QH14, Nghị quyết số 100/2019/QH14, Nghị quyết số 33/2016/QH14, Nghị quyết số 63/2018/QH14...), thứ hai là việc thực hiện những việc mới, những vấn đề phát sinh có tính cấp thiết, thời sự, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân..., trên cơ sở đó để đặt các câu hỏi có trọng tâm, phản ánh đúng và trúng vấn đề thuộc phạm vi nội dung chất vấn”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Về cách thức tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, cơ bản được thực hiện như tại kỳ họp thứ 2, tức là mỗi vị đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi ngắn gọn trong khoảng 1 phút; Bộ trưởng sẽ trả lời mỗi một vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu ra trong khoảng 3 phút. Đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận để làm rõ thêm các nội dung chất vấn mà người trả lời chất vấn trả lời chưa thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu với thời gian không quá 2 phút; các vị đại biểu Quốc hội chỉ tranh luận với Bộ trưởng, không tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội với nhau để chúng ta dành nhiều thời gian cho Bộ trưởng trả lời. Kết thúc phiên chất vấn, UBTVQH sẽ ban hành Nghị quyết về các nội dung nêu trên.
Có hay không hiện tượng găm hàng chờ tăng giá
Sau phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đăng đàn trả lời nhiều câu nói “nóng” của các đại biểu Quốc hội xoay quanh vấn đề thiếu hụt xăng dầu trong nước, tình trạng ùn ứ hàng hóa ở cửa khẩu, khan hiếm nguồn cung ứng xăng dầu, có hiện tượng đầu cơ, găm hàng thiết bị y tế trong phòng chống dịch…
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) đặt câu hỏi: Có tình trạng găm hàng xăng dầu, chờ tăng giá, vậy giải pháp của Bộ Công Thương trong việc điều hành mặt hàng này để hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, người dân đối với mặt hàng xăng dầu như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Trong những ngày qua giá xăng dầu tăng cao do đứt gãy nguồn cung ứng. Trên thị trường thế giới, từ đầu năm đến nay, tình hình địa chính trị phức tạp và có nhiều bất ổn, đặc biệt là xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine là 2 nước cung cấp dầu, khí đốt lớn của thế giới đã ảnh hưởng đến nguồn cung và giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước trong việc tiếp cận nguồn cung từ nguồn nhập khẩu cũng như hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu xăng dầu, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương liên quan, bám sát diễn biến của thị trường xăng dầu thế giới để có biện pháp điều hành phù hợp (trong điều hành giá xăng dầu trong nước và các biện pháp tạo điều kiện về nhập khẩu như mở hạn mức tín dụng, thủ tục hải quan...) nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Về sản xuất trong nước, hiện có 2 Nhà máy lọc dầu: Nhà máy lọc dầu Dung Quất thuộc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn thuộc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn với công suất thiết kế 10 triệu tấn dầu thô/năm.
Hai nhà máy này cung cấp khoảng 70-75% nhu cầu xăng, dầu trong nước (trong đó nguồn từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chiếm 35-40%, nguồn từ Nhà máy lọc dầu Bình Sơn chiếm khoảng 35%). Ngoài ra, còn có một số Nhà máy chế biến condensate (sản xuất xăng và dung môi) gồm: Nhà máy chế biến condensate Đông Phương, Nhà máy chế biến condensate Nam Việt, Nhà máy chế biến condensate Cái Mép, Nhà máy chế biến condensate Cát Lái. Năm 2021, sản lượng sản xuất của hai nhà máy đạt 13,88 triệu m3, trong đó sản lượng sản xuất của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt khoảng 7,19 triệu m3; sản lượng của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đạt khoảng 6,69 triệu m3.
Về nhập khẩu, hiện nay cả nước có 36 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có chức năng nhập khẩu xăng dầu (trong đó có 03 doanh nghiệp chỉ chuyên kinh doanh nhiên liệu hàng không). Năm 2021, cả nước nhập khẩu khoảng 6,3 triệu m3 xăng dầu các loại. Dự kiến năm 2022, nhu cầu nhập khẩu xăng dầu các loại khoảng 7,4 triệu m3 (gồm khoảng 5 triệu m3 phân giao đầu năm 2022 và 2,4 triệu m3 giao bổ sung cuối tháng 2/2022). Lũy kế 2 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã nhập khẩu khoảng 1,4 triệu m3 xăng dầu các loại.
Tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước năm 2021 khoảng 20,5 triệu m3, trong đó sản xuất trong nước khoảng 14,27 triệu m3 (chiếm khoảng 70% nhu cầu), nhập khẩu khoảng 6,3 triệu m3 (chiếm 30% nhu cầu). Theo kế hoạch năm 2022 là 20,7 triệu m3, trong đó sản xuất trong nước khoảng 14,418 triệu m3, nhập khẩu khoảng 6,282 triệu m3.
Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Công điện số 517/CĐ-BCT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và sự chỉ đạo quyết liệt của UBND các tỉnh, thành phố liên quan đến lĩnh vực này, trong những ngày trước và sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thực hiện triệt để các nhiệm vụ được giao tại Công điện, tiến hành công tác quản lý địa bàn, biện pháp nghiệp vụ và phối hợp với các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố (Công an, Sở Công Thương) giám sát các loại hình kinh doanh xăng dầu theo từng địa phương, trong đó có các phương án, kế hoạch cụ thể để kiểm tra đột xuất ngay các đơn vị kinh doanh có dấu hiệu, hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, từ ngày 28/1/2022 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, có phát hiện một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngừng hoạt động hoặc bán nhỏ giọt đã xác định nguyên nhân, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định. Các cửa hàng ngừng kinh doanh thời gian vừa qua do nhiều nguyên nhân như: do nhu cầu tăng tại nhiều điểm cần cấp xăng dầu trong cùng một thời điểm nên hệ thống xe chuyên chở của các thương nhân cấp hàng không kịp phục vụ; nhiều cửa hàng tiến hành sửa chữa hoặc giải thể không kinh doanh có thông báo với cơ quan quản lý nhà nước; không có đủ nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng, ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 - chủ cửa hàng, nhân viên bán hàng nhiễm bệnh...; một số cửa hàng ngừng bán trái phép (đã bị xử lý theo quy định).
Ngày 10/2/2022, Bộ Công Thương đã triển khai đoàn kiểm tra trực tiếp đến các địa bàn một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long để kiểm tra việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Một số doanh nghiệp có hiện tượng hạn chế bán hàng ra để chờ tăng giá đã được Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn các tỉnh xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định.
“Tiếp đó, ngày 15/2/2022, Bộ Công Thương đã thành lập 3 đoàn thanh tra chuyên ngành với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, theo đó các đoàn thanh tra sẽ thanh tra việc việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời trước Quốc hội. Phiên chất vấn và trả lời chât svaans tại UBTVQH sẽ được phóng viên báo Tin tức cập nhật tiếp.