Ứng phó với 'bão giá' xăng dầu tại các công trình giao thông trọng điểm

Trước việc giá xăng dầu liên tục tăng cao những ngày qua kéo theo giá cả của hầu hết các loại hàng hoá, đặc biệt là nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến, gây khó khăn lớn cho nhà thầu thi công các dự án hạ tầng giao thông. Hàng loạt công trình trọng điểm đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.

Chú thích ảnh
Công nhân thợ hàn xì các lồng sắt cọc nhồi để đổ bê tông, phục vụ cho việc xây dựng cầu, cống, hầm chui tại dự án thành phần Nha Trang – Cam Lâm trên cao tốc Bắc – Nam. Ảnh minh họa: Phan Sáu/TTXVN

Để giải quyết tình hình này, đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, đã yêu cầu các Ban quản lý dự án, chủ đầu tư khẩn trương báo cáo tình hình từng dự án và khó khăn cụ thể của nhà thầu báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để bộ họp bàn với các bộ, ngành, qua đó sớm có đề xuất Chính phủ các giải pháp.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho hay, trong một thời gian ngắn giá xăng dầu tăng cao đã gây khó khăn cho các nhà thầu đang triển khai các dự án giao thông. Đơn vị đang thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải trong việc đánh giá hiện trạng của từng dự án, từng gói thầu để từ đó báo cáo Bộ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Huấn vẫn khẳng định, trước mắt các nhà thầu vẫn phải khắc phục khó khăn để đảm bảo tiến độ đã đề ra. Về nguyên tắc khi giá cả tăng sẽ có những giải pháp để hỗ trợ nhà thầu giải quyết khó khăn.

Các chuyên gia giao thông cho hay, khi triển khai hợp đồng với các nhà thầu có 2 loại hợp đồng: hợp đồng đóng và hợp đồng mở. Hợp đồng đóng thường được thực hiện với những dự án triển khai trong thời gian ngắn. Khi đó nhà thầu sẽ không được điều chỉnh giá khi giá cả nguyên vật liệu tăng và ngược lại nếu giá cả xuống thấp thì nhà thầu sẽ được lợi. Trong khi đó hợp đồng mở sẽ được thực hiện tại các dự án có thời gian triển khai dài dẫn đến có nhiều rủi ro về giá. Vì vậy những hợp đồng này sẽ có sự điều chỉnh giá khi có biến động về giá.

Vì vậy, các chuyên gia giao thông khẳng định nếu hợp đồng ký giữa nhà thầu và chủ đầu tư tại các dự án cao tốc Bắc – Nam sẽ được điều chỉnh giá theo hơp đồng. Do đó, về nguyên tắc nhà thầu sẽ được hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên sẽ mất thời gian để các cơ quan chức năng đánh giá trước khi có sự điều chỉnh. Vì vậy, các nhà thầu trước mắt cần huy động tài chính để đảm bảo việc thi công trên hiện trường không bị gián đoạn.

Một doanh nghiệp trong ngành giao thông chia sẻ, chúng tôi vừa trải qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với giá vật liệu, xăng dầu liên tục tăng cao. Thực hiện dự án, doanh nghiệp có thể lỗ dự án này lãi dự án khác nhưng với tình hình vật liệu tăng cao sẽ rất rủi ro có thể nói là càng làm càng lỗ.

Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, tháng 3 đang là cao điểm mùa khô. Những ngày qua, tại dự án cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết địa phận Bình Thuận (thuộc tuyến cao tốc Bắc- Nam phía), nhiều nhà thầu phải tổ chức thi công 3 ca để bù vào vào thời gian chậm tiến độ trước đây do phải thực hiện giãn cách xã hội vì dịch bệnh và thiếu vật liệu đắp nền đường. Các nhà thầu tăng cường thêm nhiều thiết bị cơ giới.

Ông Nguyễn Công Hợp, Phó Trưởng phòng Quản lý dự án 2 (Ban Quản lý dự án Thăng Long) đang có mặt tại công trường dự án cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết thừa nhận xăng dầu tăng giá đang ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công. Tuy nhiên, trên toàn tuyến hiện có 23 mũi thi công cả ngày lẫn đêm với trên 300 thiết bị cơ giới. Do xăng dầu tăng giá liên tục, nhiều thiết bị cơ giới vận hành cầm chừng, không hết công suất.

Đại diện một nhà thầu đang thi công cao tốc Bắc - Nam, đoạn Dầu Giây - Phan Thiết cho biết, xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, chiếm phần lớn chi phí ca máy. So với giá thời điểm bỏ thầu, hiện nay giá xăng, dầu đã tăng gấp đôi, kéo theo chi phí nhà thầu phải bỏ ra tăng từ 5 -10 tỷ đồng so với dự toán ban đầu. Không chỉ lo giá xăng, dầu tăng, hiện nay, các nhà thầu còn lo ngại giá biến động rất nhanh nên các cây xăng chỉ bán nhỏ giọt mỗi lần khoảng 1.000 - 2.000 lít, trong khi nhu cầu thi công thực tế lên tới khoảng 7.000 lít/ngày.

Ngoài ra, đại diện nhà thầu trên còn cho biết, thời điểm gói thầu mà đơn vị này tham gia đấu thầu (tháng 10/2020), giá thép tròn do Sở Xây dựng Bình Thuận công bố là 12.000 đồng/kg (chưa bao gồm thuế VAT). Chỉ 1 tháng sau, giá thép xây dựng đã tăng đột biến, đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại. Mức giá thép mà nhà thầu này đang phải mua là 18.000 đồng/kg (chưa bao gồm thuế VAT).

“Nếu tính cả các chi phí phải bù đắp cho việc tăng giá cho các loại vật liệu khác, chúng tôi đang phải bù lỗ 190 tỷ đồng, tương ứng khoảng 18% giá trị hợp đồng” - đại diện nhà thầu trên nói và cho hay.

Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) hiện là nhà thầu thi công nhiều gói thầu tại 5 đoạn tuyến cao tốc Bắc- Nam. Từ năm 2021 đến nay, giá nguyên vật liệu rơi vào tình trạng tăng dựng đứng khiến nhà thầu này trong cảnh “đứng ngồi không yên”.

Theo Vinaconex, đơn giá thi công gói thầu tại dự án cao tốc đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đã tăng từ 20 - 30%. Gói thầu tại hai dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu đơn vị tham gia sau, chỉ số giá được áp dụng tốt hơn, đơn giá thi công cũng đội lên hơn 10%.

Chia sẻ với phóng viên, đại diện liên danh gói thầu XL 04 dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết cho hay, nhà thầu đang tập trung máy móc thiết bị để thi công phần nền đảm bảo hoàn thành công tác này trước 31/5/2022 theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải.

Về tình hình giá xăng dầu tăng cao, đại diện liên danh gói thầu này thừa nhận đang gặp vô vàn khó khăn, mặc dù giá cao nhưng việc cung cấp dầu cho công trình cũng chưa đáp ứng được. Vì vậy đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để đảm bảo nguồn cung và hỗ trợ tài chính cho nhà thầu do giá cả nguyên nhiên liệu tăng cao.

Một nhà thầu khác cũng đang thi công nhiều gói thầu tại cao tốc Bắc – Nam là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành kiến nghị, các cấp chức năng cần nghiên cứu với những vật liệu bình thường, ít biến động cho phép nhà thầu điều chỉnh theo chỉ số giá địa phương công bố. Đối với vật liệu tăng đột biến (xăng dầu, sắt thép, nhựa đường…) thì phân tách cho bù giá trực tiếp để doanh nghiệp không rơi vào cảnh thua lỗ.

Tại Đồng Nai, dự án trọng điểm quốc gia Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang thi công hạng mục san lấp mặt bằng. Trước tình hình giá xăng dầu liên tục tăng cao, nhiều nhà thầu lâm vào tình cảnh khó khăn. Đại diện của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (chủ đầu tư) cho hay sẽ có báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải để xin tháo gỡ khó khăn.

Trong khi đó, theo ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải), theo hình thức hợp đồng đang áp dụng đối với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam hiện nay, chỉ số giá do các địa phương công bố làm cơ sở để cơ quan chức năng điều chỉnh giá các gói thầu. Việc địa phương công bố đúng, đủ giá và chỉ số giá sẽ quyết định vấn đề.

“Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành chậm công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng hoặc có công bố nhưng không theo kịp giá thị trường. Hiện, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đang tổng hợp, phối hợp tham mưu Bộ Giao thông vận tải văn bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phản ánh về tình hình biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu, tác động của biến động giá đối với giá thành các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông trọng điểm và đề xuất các giải pháp tháo gỡ”, ông Lê Quyết Tiến cho hay.

Theo TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, hiện việc công bố giá một số loại vật liệu xây dựng và chỉ số giá xây dựng dù được giao cho địa phương, song không thể thiếu được bàn tay “nhạc trưởng” của Nhà nước. Do đó, ở các đợt biến động, cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành cần nghiên cứu đưa ra khung giá chung nhất. Các địa phương có trách nhiệm cập nhật thường xuyên khung giá này, kịp thời điều chỉnh, không để xảy ra việc điều chỉnh giá, chỉ số giá chậm trễ hoặc điều chỉnh không sát với thực tiễn (quá cao hoặc quá thấp).

“Đề xuất cho phép áp dụng hình thức điều chỉnh giá từ chỉ số giá sang phương pháp bù giá trực tiếp của một số nhà thầu cũng cần được xem xét. Tuy nhiên, mức độ bù trừ phải được tính toán hợp lý. Cơ sở giá để phục vụ quy trình bù trừ trực tiếp đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công phải là giá do cơ quan quản lý Nhà nước như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính thống kê mức tăng trong từng thời kỳ (tháng, quý), đưa ra mức bình quân chung nhất, không thể sử dụng báo giá do nhà thầu kê khai”, TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Quang Toàn (TTXVN)
Chứng khoán ngày 28/2: Nhóm cổ phiếu thép, vật liệu xây dựng tăng trở lại 
Chứng khoán ngày 28/2: Nhóm cổ phiếu thép, vật liệu xây dựng tăng trở lại 

Phiên giao dịch hôm nay (28/2) chứng kiến áp lực bán mạnh của các bluechip từ đầu phiên. Điều này đã tạo lực cản khiến VN-Index không đứng vững, về sát mốc 1.490 điểm. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN