Theo dõi phiên thảo luận, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Hữu Cường, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ trong 9 tháng qua và đạt được 10/15 chỉ tiêu Quốc hội giao trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Các đại biểu Quốc hội cũng đưa ra các giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là mục tiêu nâng cao năng suất lao động 3 năm liền vẫn chưa đạt.
Những vấn đề kinh tế vĩ mô giữ được ở mức độ ổn định, lạm phát được kiểm soát, các vấn đề kinh tế lớn được đảm bảo. Vấn đề về thu chi ngân sách, nợ công, nợ Chính phủ, nợ trực tiếp thanh toán đều trong ngưỡng cho phép, nhất là vấn đề an sinh xã hội của người dân được quan tâm và xử lý. Đấy là những vấn đề rất cơ bản đạt được trong 9 tháng qua, ghi nhận sự cố gắng của Chính phủ, các bộ, ban, ngành điều hành và quá trình triển khai của các địa phương, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Cường nhấn mạnh.
Lý giải về tầm quan trọng của mục tiêu nâng cao năng suất lao động, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Cường cho rằng, đây là vấn đề được bàn đến từ nhiều năm nay. Cần làm rõ nguyên nhân năng suất lao động không đạt. Đồng tình với ý kiến của một số đại biểu, đến năm 2024, vẫn tiếp tục đưa năng suất lao động vào là một trong các chỉ tiêu cần phải đạt sẽ rất khó, ông Nguyễn Hữu Cường cho rằng nếu đưa năng suất lao động vào chỉ tiêu cần phải chỉ rõ nguyên nhân cơ bản nhất và điểm nghẽn ở đâu; trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, tìm ra các giải pháp đột phá để thay đổi cả về chất và lượng.
Đồng quan điểm, ông Phạm Huy Nam, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Nam Bình đánh giá trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, 5 chỉ tiêu chưa đạt cũng cần ghi nhận sự cố gắng của Chính phủ, các bộ ngành trong công tác điều hành chỉ đạo và triển khai của các địa phương. Để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ cần rà soát lại các thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch.
Ông Phạm Huy Nam nhận định, trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam có độ mở nền kinh tế rất lớn, sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế trong nước nhưng cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Độ mở kinh tế càng lớn khi bên ngoài có những rủi ro cũng có thể dẫn đến đứt gãy về cung ứng, lạm phát, tỷ giá tiền tệ. Nếu không có các biện pháp hữu hiệu hay đối pháp, chính sách hợp lý sẽ rất dễ dẫn đến bất ổn. Do vậy, cần có hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cần được nhanh chóng rà soát, hoàn thiện, tạo điều kiện cho kinh tế trong nước phát triển, đón nhận những hiệu quả mà độ mở nền kinh tế mang lại. Đây cũng là "tấm lá chắn" để chặn những rủi ro từ bên ngoài.
Ông Phạm Huy Nam đề nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm đến những khó khăn của doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ kịp thời; thiết kế các gói tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy lưu thông nguồn vốn từ ngân hàng thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay vốn. Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh hạ lãi suất, nhưng các doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn việc khơi thông nguồn vốn. Bên cạnh việc xem xét hạ lãi suất, cần xem xét, đánh giá lại cơ chế thủ tục cho vay, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất bền vững.