Ông Ngô Phạm Việt, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố và kiểm sát án kinh tế, tham nhũng, chức vụ (Phòng 3 - Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh) cho biết, luật hiện hành không quy định cụ thể về thời hạn ra kết luận giám định, kết luận định giá tài sản. Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự nói chung, các vụ án kinh tế, tham nhũng nói riêng cho thấy, do chưa có quy định cụ thể về thời hạn ra kết luận dẫn đến việc giám định, định giá tài sản trong nhiều trường hợp mang tính hành chính, kéo dài. Việc này ảnh hưởng rất lớn tới việc đảm bảo thời hạn điều tra, truy tố theo quy định; ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng giải quyết vụ án, nhất là các vụ án phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo. Vì vậy, cần có chế tài xử lý các trường hợp chậm hoặc không ban hành kết luận giám định, kết luận định giá tài sản dù đã nhận được yêu cầu của cơ quan trưng cầu giám định.
Theo ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh, quy định thời hạn ban hành kết luận giám định, kết luận định giá tài sản phải được luật hóa, quy định chặt chẽ như thời hạn tạm giam, tạm giữ. Khi cơ quan trưng cầu giám định đã cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu, không có lý gì, cơ quan giám định không thực hiện được trong thời hạn.
Bà Nguyễn Quỳnh Lan, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận Gò Vấp ví dụ cụ thể, trong trường hợp mẫu vật giám định là động vật hoang dã, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Luật Giám định tư pháp đều quy định là phải giám định nhưng không quy định về quy trình, thủ tục, thời hạn thực hiện giám định, cách thức lấy mẫu, cách thức bảo quản, bàn giao mẫu vật,... ảnh hưởng rất lớn tới quá trình giải quyết loại án này.
Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận Gò Vấp kiến nghị tại Điều 128 quy định về kê biên tài sản, Điều 129 về phong tỏa tài khoản chưa điều chỉnh hết các đối tượng cần kê biên, phong tỏa tài khoản. Đồng tình với ý kiến này, Phòng 3 - Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh đề nghị sửa đổi những điều luật này theo hướng mở rộng các đối tượng là người nhận, chuyển nhượng tài sản từ các bị can, bị cáo khi cơ quan chức năng đã chứng minh được tài sản đó là do phạm tội mà có.
Kết luận tọa đàm, ông Nguyễn Đức Thái, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố đánh giá cao những ý kiến góp ý tâm huyết của các đại biểu và đề nghị các bộ phận liên quan tổng hợp đầy đủ, trình Ủy ban Kiểm sát Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố xét duyệt lần cuối trước khi trình Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đảm bảo những nội dung báo cáo đề nghị sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 là hết sức cần thiết, phù hợp với thực tiễn.
Viện trưởng Nguyễn Đức Thái đề nghị các đơn vị rà soát, nghiên cứu các thông tư, hướng dẫn về Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 khi có nội dung cần luật hóa phải kiến nghị quy định trong luật, không thể để trong các văn bản dưới luật sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng thống nhất.