Cần có tên gọi chuẩn cho sữa trẻ em dưới 6 tuổi

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục trưởng cục Quản lý Giá, Bộ Tài Chính cho biết: Trước tình trạng việc quy định độ đạm trong sữa theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa bột là phải trên 34%, nhiều hãng sữa lợi dụng kẻ hở này đã hạ độ đạm xuống nhằm tránh bị quản lý giá của Bộ Tài Chính.


Theo đó, các mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi có độ đạm dưới 34% được gọi là sản phẩm dinh dưỡng trong thời gian qua liên tục bị tăng giá, khiến Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương và Bộ Y Tế lúng túng vì không thể kiểm soát được giá các mặt hàng này.


Do đó, trong dự thảo sửa đổi về các mặt hàng bình ổn giá tới đây, Bộ Tài Chính đã đề xuất cần có tên gọi chuẩn cho mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi. Cụ thể, kiến nghị Bộ Y Tế đổi tên sản phẩm dinh dưỡng thành thức ăn bổ sung vi chất cho trẻ em dưới 6 tuổi, đồng thời áp dụng độ đạm cho sữa theo quy chuẩn quốc tế HS của Hải Quan.


Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, hiện nay các sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi khi thông quan hải quan thường được các hãng sữa nước ngoài khai báo là sữa để chỉ đóng thuế là 5%, bởi nếu khai báo sản phẩm dinh dưỡng phải chịu thuế suất 10%. Nhưng khi ra thị trường, các sản phẩm sữa trên lại được đổi thành sản phẩm dinh dưỡng.


Đáng lo ngại, người tiêu dùng lại ít biết sự khác biệt về quy định tên gọi nên vẫn nhầm lẫn đó là sữa. Ngay cả người bán cũng giới thiệu với người tiêu dùng là đó là sữa nên gây sự bất bình về giá. Thế nhưng, hiện nay Bộ Tài chính chỉ quản lý về giá các mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Vì thế, sản phẩm dinh dưỡng không nằm trong khung giá bình ổn này.


Chính vì vậy, ông Tuấn cho rằng, việc áp dụng độ đạm cho sữa theo quy chuẩn quốc tế HS của Hải Quan là cần thiết. Bởi hiện nay, nhiều nước trên thế giới quy định độ đạm cho sản phẩm sản phẩm dinh dưỡng chỉ từ 20 -25%. Như vậy, trên 25% vẫn gọi là sữa.



Hải Yên


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN