Cần có giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường ở thành phố Điện Biên Phủ

Ngay từ năm 2003, tỉnh Điện Biên đã xác định có 4 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đều thuộc địa bàn thành phố Điện Biên Phủ. Theo Quyết định số 64/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng” thì các cơ sở này phải áp dụng các biện pháp xử lý trong giai đoạn từ năm 2003-2007. Tuy nhiên cho đến nay, mới có Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đảm bảo xử lý được ô nhiễm, 3 cơ sở còn lại là Bãi rác Noong Bua, Hệ thống nước thải thành phố Điện Biên Phủ và Bệnh viện Y học cổ truyền vẫn “án binh bất động”.

Bãi rac Noong Bua

Theo báo cáo kết quả nghiên cứu, đánh giá chất lượng nguồn nước khu vực lòng chảo Điện Biên Phủ của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Phát triển cộng đồng Việt Nam, thì tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các khu dân cư, bệnh viện, khách sạn... đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Cụ thể như nước hồ Huổi Phạ có nồng độ chì vượt mức tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần, hàng ngày lại phải nhận hàng trăm m3 nước thải từ các nhà nghỉ trong Khu du lịch sinh thái Him Lam. Đáng chú ý là hồ Huổi Phạ nhiều năm trước đây là nơi cung cấp nước chính cho thành phố Điện Biên Phủ. Hiện tại, người dân sống xung quanh bãi rác Noong Bua hàng ngày bị ảnh hưởng của ô nhiễm với mức độ liên tục gia tăng. Ông Lường Văn Chung, trú tại bản Khe Chít (xã Noong Bua - thành phố Điện Biên Phủ) kể rằng: Gia đình ông sống cách bãi rác tới gần 1.000 m. Vậy mà hàng ngày ruồi từ bãi rác vẫn bay về như ong vỡ tổ, nhiều khi nước ruộng xung quanh bãi rác đen như mực, khiến người đi làm ruộng mẩn ngứa, lở loét. Kết quả mẫu nước từ suối Hoong Lươi và các ao thả cá gần Bệnh viên Y học cổ truyền tỉnh cũng có nhiều chất độc hại như hàm lượng Amonia, sắt... vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 10- 20%. Toàn thành phố Điện Biên Phủ có 7 cống xả nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý thẳng ra sông Nậm Rốm với khối lượng từ 4.000- 5.000m3/ngày. Các cơ sở sửa chữa ô tô, xe máy, xúc nạp ắc qui xả dầu nhớt, nước axít thẳng ra cống rãnh làm ô nhiễm đất và nguồn nước khu vực xung quanh. Ngay cả suối Nậm Khẩu Hú là nơi cấp nước nguyên liệu cho hệ thống xử lý, cấp nước sinh hoạt của thành phố cũng bị nhân dân các bản đầu nguồn thả chất độc như cây cơi xuống bắt cá, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng trong toàn thành phố...

Ông Nguyễn Huy Dự, Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Theo đề án phát triển thành phố Điện Biên Phủ thì đến năm 2014, địa phương này sẽ phấn đấu đủ các tiêu chí để được công nhận đô thị loại 2. Trong những tiêu chí cần hoàn thiện thì vấn đề vệ sinh môi trường được đặt lên hàng đầu. Hiện nay, nhu cầu sử dụng nước của nhân dân trong thành phố cần tới 12.000m3 nước sạch, trong khi hệ thống cấp nước chỉ đạt công xuất 8.000m3. Như vậy nhân dân phải tự khai thác từ tự nhiên, trong khi nguồn nước tự nhiên đang có dấu hiệu ô nhiễm ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc giải quyết dứt điểm 4 cơ sở gây ô nhiễm theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ, cũng như các cơ sở mới phát sinh trên địa bàn cần có sự phối hợp của các cấp, các ngành, các đơn vị chủ quản mà đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Điện Biên.

Chu Quốc Hùng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN