Kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9:

Cách mạng Tháng Tám và bài học về thời cơ cách mạng

Năm tháng qua đi nhưng Cách mạng Tháng Tám 1945, một cuộc đổi đời thực sự của dân tộc và toàn thể dân nhân Việt Nam, vẫn là sự kiện trọng đại trọng lịch sử Việt Nam, với đầy đủ ý nghĩa thời đại lớn lao và những bài học kinh nghiệm có giá trị. Trong đó, thời cơ là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc cách mạng. Nhận xét về thời cơ của Cách mạng Tháng Tám, Tổng Bí thư Trường Chinh nói: “Mau lẹ, kịp thời, nổ ra đúng lúc phải nổ, đó là một ưu điểm nữa của Cách mạng Tháng Tám”.


Trong năm đầu của thế chiến thứ 2, môi trường chính trị không thuận lợi, nhất là sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, chính quyền Pháp phát xít hóa chế độ cai trị Đông Dương. Nhưng từ mùa hè năm 1940, tình hình đã thay đổi: nước Pháp thua trận. Với tầm nhìn xa trông rộng về mối quan hệ giữa cuộc chiến tranh thế giới với phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII nhận định: Nếu cuộc chiến tranh đế quốc lần trước (ý nói cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất) đã đẻ ra Liên Xô-một nước xã hội chủ nghĩa… thì cuộc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công. Hội nghị khẳng định: Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Mặc dù các cuộc nổi dậy cuối năm 1940, đầu năm 1941 không thành công nhưng Hội nghị Trung ương 8 đánh giá cao tinh thần các chiến sĩ cách mạng trong các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ và Đô Lương và phản đối mọi cuộc bạo động non khi thời cơ chưa chín muồi.


Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam, trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu - TTXVN


Nhận định chính xác


Đánh giá chính xác xu thế phát triển của thời cuộc, tháng 10/1944, Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào toàn quốc, nêu rõ: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”.


Cũng vào thời điểm này (mùa thu năm 1944) Thường vụ Trung ương dự kiến cuộc xung đột Nhật-Pháp trước sau sẽ nổ ra. Tổng Bí thư Trường Chinh cho rằng sự “hòa hoãn” Nhật-Pháp “có khác gì một cái nhọt bọc, chứa đầy bên trong biết bao nhiêu vi trùng và máu mủ, chỉ chờ dịp chín mõm là vỡ tung ra”. Cuộc đảo chính Nhật-Pháp đêm 9/3/1945 đã chứng minh dự kiến đúng đắn của Đảng, chứng minh sự nhạy bén trong việc “bắt mạch” tình hình để kịp thời đề ra chủ trương thúc đẩy phong trào tiến tới.


Khi cuộc đảo chính của Nhật nổ ra vào đêm 9/3/1945, Đảng ta không bị động trước thời cuộc mà trái lại, chủ động vạch ra những nhiệm vụ chiến lược sát đúng để đưa cách mạng tiếp tục tiến lên. Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đã ra đời vào ngày 12/3/1945. Bản Chỉ thị nhận định, cuộc đảo chính của Nhật ở Đông Dương đã tạo ra cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc, nhưng điều kiện khởi nghĩa chưa thực sự chín muồi, tuy vậy cũng đã tạo ra những tiền đề cần thiết thúc đẩy cuộc khởi nghĩa chóng tới. Trong Chỉ thị, Ban Chấp hành Trung ương, ngoài việc xác định kẻ thù mới và đề ra khẩu hiệu đấu tranh mới, còn dự báo hai khả năng làm xuất hiện thời cơ cho nhân dân ta vùng dậy giành chính quyền trên cả nước, đó là: 1. Quân Đồng minh vào Đông Dương đánh Nhật; và 2. Nhật đầu hàng Đồng minh.


Cũng chính vì dự kiến thời cơ thuận lợi đang đến gần mà Thường vụ Trung ương đã kịp thời triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, ra nghị quyết thành lập Ủy ban quân sự miền Bắc Đông Dương, thống nhất lực lượng vũ trang, mở trường đào tạo cán bộ, đẩy mạnh chiến tranh du kích phát triển rộng khắp, lập xưởng vũ khí, tích trữ lương thực, khẩn trương đón thời cơ tiến tới Tổng khởi nghĩa.


Hội nghị quân sự diễn ra đúng vào những ngày Hồng quân Liên Xô tiến công Berlin. Ngày 2/5, Berlin thất thủ; một tuần sau, phát xít Đức đầu hàng. Trong khi cuộc chiến tranh thế giới chuyển sang mặt trận phía Đông, Liên Xô tuyên chiến với Nhật, thì lãnh tụ Hồ Chí Minh và Tổng hành dinh của cách mạng Việt Nam chuyển từ căn cứ địa Cao-Bắc-Lạng về Tân Trào (Sơn Dương-Tuyên Quang). Tình hình thế giới đang chuyển biến hết sức mau lẹ cũng là lúc các nước lớn họp Hội nghị Potsdam (một thành phố Tây Nam thủ đô Berlin của Đức-họp từ 17/7 đến 2/8/1945). Hội nghị sớm để lộ âm mưu nham hiểm của các nước lớn về những vấn đề “hậu chiến” có quan hệ bất lợi đối với vận mệnh của dân tộc Việt Nam.


Đó cũng là thời điểm câu nói đã đi vào lịch sử của lãnh tụ Hồ Chí Minh nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp (Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập) thể hiện sâu sắc tư duy nhạy bén trước tình hình, thể hiện nghệ thuật chớp thời cơ chiến lược và tinh thần tiến công cách mạng của Đảng. Ít ngày sau đó, khi nghe tin Nhật đầu hàng, việc lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ đạo khẩn trương tranh thủ thời gian tiến hành Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân đại hội ở Tân Trào (để cán bộ kịp về chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương), càng cho thấy sự nhạy bén của lãnh đạo trong những giờ phút có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh dân tộc.


Cơ hội đã đến


Đúng giữa trưa ngày 15/8/1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng các lực lượng Đồng minh trên sóng phát thanh của Nhật Bản. Như vậy, thời cơ xuất hiện như khả năng thứ hai mà Đảng ta đã dự báo. Tin đó đến với lãnh tụ Hồ Chí Minh rất sớm qua bản tin đài BBC mà Người nghe được ở lán Nà Lừa, Tân Trào (Tuyên Quang). Thời cơ có một không hai đã đến với dân tộc ta. Lập tức, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra quân lệnh số 1, trong đó có đoạn viết: “Giờ tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân, dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!… Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!”. Tiếp đó, Hội nghị Đảng toàn quốc và Quốc dân Đại hội nhóm họp tại Tân Trào quyết định phát động cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước.


Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu - TTXVN


Thời cơ xuất hiện và tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định. Trong Cách mạng Tháng Tám, thời cơ tồn tại một cách khách quan trong vòng hai mươi hôm, bắt đầu từ khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng (ngày 15/8) và kết thúc khi quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất nước ta theo Hiệp định Pô-xđam (ngày 5/9). Nó sẽ biến mất khi quân Đồng minh vào nước ta để giải giáp quân đội Nhật. Nếu phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc trước ngày 15/8 và sau ngày 5/9 đều không có khả năng thành công, bởi trước ngày 15/8, quân Nhật còn mạnh và sau ngày 5/9, trên đất nước có nhiều kẻ thù (từ vĩ tuyến 16 trở ra là quân Tưởng - Mỹ từ vĩ tuyến 16 trở vào là quân Anh và sau đó là quân Pháp trở lại xâm lược). Chỉ có thể giành chính quyền thắng lợi trong ngưỡng thời gian khắc nghiệt đó.


Cuộc Cách mạng Tháng Tám mà Đảng và Mặt trận Việt Minh phát động, như cơn sóng thần, đã cuốn phăng chính quyền phát-xít Nhật và tay sai. Ngày 30/8, vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị. Toàn dân tộc Việt Nam bắt tay xây dựng chế độ cộng hòa dân chủ bằng việc công bố trước quốc dân Việt Nam và nhân dân thế giới bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 2/9/1945. Như vậy, mọi việc được chúng ta hoàn tất trước ba ngày để ngày 5/9/1945, với tư cách là chủ nhà, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đón tiếp quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất nước ta.


Nghệ thuật chớp thời cơ


Thực tế cho thấy, nghệ thuật nắm bắt tình hình và nghệ thuật chỉ đạo chớp thời cơ cách mạng của Đảng thể hiện trong hai bối cảnh khác nhau: khi nhận thấy điều kiện chưa chín muồi thì kiên quyết phản đối mọi chủ trương manh động để bảo toàn lực lượng cách mạng; nhưng khi phát hiện “tình thế trực tiếp cách mạng” đã xuất hiện thì kịp thời động viên quần chúng nhân dân quyết tâm vượt mọi khó khăn để đánh đòn quyết định, giành thắng lợi cho cách mạng.


Nét đặc sắc nhất của nghệ thuật đánh giá tình hình và chớp thời cơ của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám là ở chỗ:


1-Cuộc Tổng khởi nghĩa không nổ ra trước ngày Nhật Bản đầu hàng-để quân đội Thiên hoàng không còn vị thế để can thiệp vào nội tình Việt Nam; 2-Cuộc Tổng khởi nghĩa cũng không nổ ra sau ngày quân Tưởng đã vào miền Bắc, buộc tướng lĩnh Quốc dân đảng Trung Hoa phải “nói chuyện” với Chính phủ lâm thời, đại diện cho nước Việt Nam đã có chủ sau khi Tổng khởi nghĩa thắng lợi.


Cùng với việc kiên trì xây dựng lực lượng và kịp thời phát huy sức mạnh của toàn dân theo phương châm “đem sức ta giải phóng cho ta” và khẩn trương, thận trọng chuẩn bị chu đáo, toàn diện, Trung ương Đảng luôn nhấn mạnh yếu tố nắm bắt thời cơ cách mạng.


Trung ương Đảng đã thực hiện cả một quá trình kiên trì giáo dục giác ngộ và tổ chức quần chúng, dựa vào sức mạnh đoàn kết của toàn dân đã được giác ngộ để không ngừng chủ động chuẩn bị, nhằm tạo thế mới và lực mới cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thúc đẩy điều kiện chủ quan chín muồi, làm cơ sở để khi điều kiện khách quan thuận lợi xuất hiện thì kịp thời chớp thời cơ động viên toàn dân nổi dậy giành chính quyền trong cả nước. Điều đó giải thích vì sao chỉ trong vòng hai tuần (từ trung tuần đến cuối tháng 8/1945), Tổng khởi nghĩa nổ ra dồn dập và giành thắng lợi nhanh gọn từ địa phương này đến địa phương khác, từ thành thị đến nông thôn, trong cả nước. Nhờ có sự chuẩn bị lực lượng chu đáo, lại nổ ra đúng thời cơ, Cách mạng Tháng Tám đã giành được thắng lợi “nhanh, gọn, ít đổ máu”. Đó là một điển hình thành công về nghệ thuật tạo thời cơ, dự đoán thời cơ, nhận định chính xác thời cơ, đồng thời kiên quyết chớp thời cơ phát động toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền.


Ngày nay trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập và phát triển, bài học về thời cơ cách mạng càng có ý nghĩa lớn lao hơn. Đã một thời vấn đề thời cơ trở nên bức thiết với những yêu cầu đổi mới, phát triển tránh nguy cơ tụt hậu. Bối cảnh thời đại vẫn chứa đựng cả thời cơ, thuận lợi và nguy cơ, thách thức đan xen. Những thời cơ, thuận lợi lớn đã được Đảng và nhân dân nhận thức đầy đủ, kịp thời. Đó là: Hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ yếu của thế giới ngày nay; cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, nền kinh tế tri thức, quá trình toàn cầu hóa đang tạo điều kiện chưa từng có cho các quốc gia xích lại gần nhau, tăng cường hội nhập, phát huy lợi thế; xu hướng dân chủ hóa đời sống xã hội, đời sống quốc tế đang tạo hành lang rộng mở cho các chủ thể, các quốc gia khẳng định vai trò, vị trí của mình. Đi cùng với đó, không ít những khó khăn, thách thức, nguy cơ đang cản trở con đường phát triển của các quốc gia dân tộc; các thế lực phản động tăng cường chiến lược diễn biến hòa bình chống phá chủ nghĩa xã hội và nhiều chính sách khác cản trở độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia của các nước trên thế giới…


Những thời cơ và nguy cơ nêu trên, tự nó, chỉ tồn tại dưới dạng tiềm năng, vấn đề quyết định chính là nhân tố chủ quan, trong đó đặc biệt quan trọng là sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai các hành động thực tiễn. Từ năm 1986 đến nay, đất nước đã đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa nhiều mặt: Bảo vệ, đổi mới và phát triển chủ nghĩa xã hội; khắc phục khủng hoảng, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển; chính trị xã hội ổn định, đời sống nhân dân có nhiều bước cải thiện rõ rệt, đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; quốc phòng, an ninh vững chắc, đối ngoại rộng mở, đảm bảo môi trường hòa bình, thuận lợi cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…


Trong cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn ra, vấn đề thực lực và nắm thời cơ để phát triển vẫn luôn được coi trọng. Với thế và lực của đất nước, sức mạnh tổng hợp quốc gia được nâng cao, đất nước ta đã có những tiền đề quý báu cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Trong những thành tựu và trong mỗi bước phát triển của đất nước hôm nay đều khởi nguồn từ những bài học kinh nghiệm quý báu đúc kết từ các thời kỳ cách mạng trước đây, trong đó, bài học kinh nghiệm nắm bắt và chớp thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn luôn mang những giá trị bền vững và ý nghĩa thời đại.


Sỹ Nguyên (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN