Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 21/10 ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang có mưa to với lượng mưa từ 50 - 100mm/24 giờ, có nơi trên 120mm/24 giờ; từ ngày 21 - 22/10, ở các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có mưa to với tổng lượng mưa phổ biến từ 50 - 150mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt; từ ngày 22 - 26/10, các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có khả năng xảy ra mưa to đến rất to.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cậu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiêm cứu nạn các tỉnh, thành phố thực hiện việc theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo mưa, lũ; thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại, nhất là tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bị thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua và dự báo tiếp tục có mưa to đến rất to từ ngày 22 - 26/10); triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người dân; khơi thông dòng chảy, nhất là trên các suối, khe cạn, các ao hồ có nguy cơ mất an toàn.
Các tỉnh, thành phố cần rà soát, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn; kiểm tra, rà soát, vận hành hồ chứa, phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường thông tin cảnh báo, hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh.
Các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về tình hình diễn biến mưa lũ, công tác chỉ đạo ứng phó về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.
Các chuyên gia đưa ra gói biện pháp phòng tránh lũ quét trong mùa mưa lũ, được phân ra làm hai loại: biện pháp công trình và biện pháp phi công trình.
Trong đó, các biện pháp công trình gồm:
Trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn. Để đề phòng lũ lụt nói chung và lũ quét nói riêng cần phải tích cực khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt là các khu vực thường gây ra lũ quét, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ lớp phủ thực vật, tăng khả năng giữ nước của lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ.
Xây dựng hồ chứa điều tiết lũ ở khu vực thường xảy ra lũ quét. Ở các khu vực thường xảy ra lũ quét cần được nghiên cứu kết hợp với việc quy hoạch khai thác trị thuỷ, xây dựng các hồ chứa nước nhiều tác dụng như: chống lũ, tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát điện, kết hợp với việc điều hoà lũ, phòng chống lũ quét.
Khai thông các đường thoát lũ. Tổ chức khai thông các đường tập trung lũ ở phía thượng lưu, các khu vực cần bảo vệ nhằm mục đích không để sinh ra hiện tượng tắc nghẽn dòng chảy, tích tụ nước tạo ra lũ quét nghẽn dòng.
Xây dựng đê, tường chắn lũ quét. Ở các khu vực có điều kiện xây dựng công trình ngăn lũ quét có thể nghiên cứu xây dựng các tuyến đê hoặc tường chắn lũ quét để giữ dòng lũ chảy trong lòng dẫn, ngăn chặn các tác động của lũ quét đối với khu vực cần bảo vệ.
Phân dòng lũ. Dựa vào địa hình có thể nghiên cứu phân dòng lũ nhằm làm giảm tác động của lũ quét vào khu vực cần bảo vệ.
Xây dựng bổ sung các tràn sự cố ở các hồ chứa nước. Để đề phòng sự cố ở các hồ chứa nước gây ra lũ quét nhân tạo, cần phải gấp rút xây dựng bổ sung các tràn sự cố và xây dựng các phương án phòng chống lụt bão để có thể khắc phục được ngay những sự cố do lũ, bão gây ra.
Mở rộng khẩu độ thoát lũ của hệ thống cầu cống của đường giao thông. Do đặc điểm các sông của miền Trung ngắnvà dốc, để tránh tình trạng làm cản dòng lũ gây ra ngập lụt, lũ quét và ách tắc giao thông cần phải tính toán quy hoạch tiêu lũ của các hệ thống cầu cống trên các hệ thống đường sắt và đường bộ.