Các tỉnh phía Bắc tập trung khắc phục hậu quả thiên tai

Ngày 24/4, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Chỉ thị số 36/CT-TWPCTT ngày 16/4/2020 về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai năm 2020, đồng thời tập trung khắc phục hậu quả thiên tai.

Chú thích ảnh
Mưa giông làm sập đổ nhà của người dân ở xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Ảnh: TTXVN

Các tỉnh khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ khẩn trương thực hiện Công văn số 120/TWPCTT-VP ngày 22/4/2020 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời đến người dân và cộng đồng để chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp với mưa lớn kèm theo giông, lốc, sét, mưa đá, lũ, lũ quét, sạt lở đất và gió mạnh trên biển.

Các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tận dụng tối đa nguồn nước ngọt do đợt mưa vừa qua để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 24/4, mưa, giông, lốc, sét đã làm 5 người chết (Lai Châu 2 người; Hà Giang 1 người; Sơn La 1 người; Yên Bái 1 người); 1 người mất tích tại Lai Châu (do bị lũ cuốn trôi); 23 người bị thương; 7.282 nhà hư hỏng, tốc mái; 535 ha bị đổ, ngã; 1.992 ha hoa màu bị thiệt hại, ước thiệt hại khoảng 81,6 tỷ đồng.

* Tại tỉnh Sơn La, từ ngày 22 đến 24/4 liên tục có mưa đá, mưa vừa đến mưa to kèm giông lốc, gây thiệt hại đến người và tài sản. 

Tại huyện Sông Mã, từ đêm 23 đến sáng 24/4, mưa lớn liên tục đã cuốn trôi nhiều đất, đá từ các đường nhánh ra mặt đường chính, gây ách tắc giao thông nhiều giờ và khó khăn cho các phương tiện qua lại trên Quốc lộ 4G, thuộc địa phận xã Huổi Một.

Sau khi xảy ra tình trạng trên, các đơn vị quản lý đường bộ đã huy động máy móc đến san ủi, tập trung giải phóng mặt bằng và đến hơn 11 giờ ngày 24/4, tuyến đường Sông Mã - Sốp Cộp đã trở lại lưu thông bình thường. Tuy nhiên, hiện nay tình hình mưa diễn biến phức tạp, nguy cơ sạt lở đất, đá trên các sườn đồi rất cao, do đó các phương tiện lưu thông trên Quốc lộ này cần lưu ý, phòng tránh rủi ro xảy ra.

Chú thích ảnh
Công nhân Điện lực Thuận Châu (tỉnh Sơn La) khắc phục sự cố điện trên địa bàn quản lý do mưa giông gây ra. Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, tính đến 17 giờ ngày 24/4, mưa giông trên địa bàn đã làm 1 người chết do đá lăn vào người và 5 người bị thương. Cùng với đó, mưa giông đã làm 937 nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng; trong đó 10 nhà bị sập đổ và 5 nhà bị sạt lở phải di dời.

Ngoài ra, mưa giông đã gây thiệt hại trên 48 ha lúa, 30 ha mạ, trên 124 ha rau màu, 529 ha cây ăn quả và cây trồng lâu năm; 1.520 m chiều dài giao thông bị sạt lở và 200 m3 đất đá sạt lở; 9 nhà lớp học bị tốc mái tại 5 điểm trường… Ước tổng giá trị thiệt hại trên 12 tỷ đồng.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, xã đã đến tiến hành kiểm tra thực tế tại địa bàn; đồng thời tập trung huy động các nguồn lực tại chỗ để khắc phục nhà ở bị ảnh hưởng, sửa các nhà bị tốc mái, thủng mái, thu dọn rau màu, cây cối bị dập nát, gãy rụng giúp nhân dân ổn định đời sống và sản xuất... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn đang tiếp tục mưa trên diện rộng.

Thắng Trung - Nguyễn Cường (TTXVN)
Mưa đá, gió lốc và lũ đầu nguồn tàn phá xã Mù Sang ở Lai Châu
Mưa đá, gió lốc và lũ đầu nguồn tàn phá xã Mù Sang ở Lai Châu

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp hội tụ gió, từ ngày 23 - 24/4, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có mưa to và giông kèm mưa đá, gió lốc đã làm hai người chết và một người mất tích, hai người bị thương phải nhập viện cấp cứu, thiệt hại lớn về nhà cửa, tài sản, hoa màu của Nhà nước và nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN