Theo bà Vũ Thị Soi, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ Thành phố Tuyên Quang, Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII đã quyết nghị nhiều vấn đề lớn có ý nghĩa quan trọng, giúp cho sự phát triển lâu dài bền vững của đất nước, đặc biệt là vấn đề đất đai và nông nghiệp, nông dân, nông thôn, qua đó giúp khơi thông nguồn lực, tạo sự phát triển ổn định, bền vững.
Cũng theo bà Soi, thời gian tới, để sớm đưa các Nghị quyết vào cuộc sống, tỉnh Tuyên Quang cũng như các tỉnh, thành trong cả nước cần sớm triển khai phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện sâu rộng các Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân, đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong việc giám sát, phản biện, vận động đoàn viên, hội viên, người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua đó giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Ông Đỗ Viết Đức, đảng viên, tổ 17, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) cho biết: Qua theo dõi, tôi thấy những nội dung được đưa ra thảo luận, cho ý kiến và quyết định tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII có ý nghĩa rất quan trọng, cụ thể hóa việc đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, đặc biệt là giúp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước sau đại dịch COVID -19.
Thực tế tại địa phương cho thấy, trong những năm qua, Nhà nước đã đầu tư nguồn vốn rất lớn cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhờ đó đời sống người dân, đặc biệt đồng bào các dân tộc miền núi được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, Nhà nước cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền. Đồng thời, quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư để tránh đầu tư dàn trải, thất thoát, qua đó phát huy hiệu quả cao nhất các công trình, chương trình, dự án đã đầu tư. Nhà nước cũng cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch vùng sản xuất, gắn với tiêu thụ, chế biến; kiểm soát chặt quy hoạch đã được phê duyệt, tránh tình trạng phát triển sản xuất tự phát, phá vỡ quy hoạch dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Cùng với đó, Nhà nước cần bổ sung các chính sách hỗ trợ đối với những hộ vừa thoát nghèo, cận nghèo để việc giảm nghèo được bền vững, tránh tình trạng không muốn thoát nghèo để được Nhà nước hỗ trợ; việc đào tạo nghề cho nông dân cũng phải mang tính “ổn định, bền vững”, gắn với nhu cầu thực tế tại các địa phương và theo yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động…