Hiện chỉ còn 6 phương tiện với 57 lao động đang hoạt động tại vùng biển không chịu ảnh hưởng của bão số 8 ở Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa. Người lao động trên các phương tiện nói trên đều nắm được thông tin về bão số 8 và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng, gia đình, chính quyền địa phương.
Từ 13 giờ đến 21 giờ ngày 13/10, địa bàn tỉnh có mưa nhỏ, có nơi có mưa vừa, lượng mưa phổ biến từ 10-20 mm, một số nơi có lượng mưa lớn như: Cầu Quan (Nông Cống) 31mm; Sao Vàng (Thọ Xuân) 28,2mm; Yên Cát (Như Xuân) 25,6mm, Tân Thành (Thường Xuân) 24mm… Dự báo trong 6 giờ tới, các huyện miền núi Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát, Bá Thước… cần đề phòng lũ quét, sạt lở và ngập úng cục bộ.
Mực nước các hồ lớn tính đến 19 giờ ngày 13/10: tại hồ Trung Sơn (huyện Quan Hóa) là 154.54/160m; hồ Cửa Đạt (huyện Thường Xuân) là 94.53/110m; hồ Sông Mực (huyện Như Thanh) là 31.72/33m; hồ Yên Mỹ (huyện Nông Cống) là 18.67/20.36m... Hiện các đơn vị quản lý, vận hành các hồ chứa đã chủ động xả hạ thấp mực nước để đón lũ trong những ngày sắp tới.
Để ứng phó với diễn biến của bão số 8, tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương thường xuyên giữ liên lạc, thông tin về hướng di chuyển của bão cho các phương tiện đang còn hoạt động trên biển, đảm bảo toàn bộ phương tiện vào nơi tránh trú hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm; quản lý chặt chẽ phương tiện, tàu thuyền tại khu neo đậu, tuyệt đối không để người dân ở lại trên các chòi canh, lồng bè nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ.
Tùy vào tình hình cụ thể, các địa phương chủ động rà soát, sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19; khẩn trương thực hiện việc gia cố nhà cửa, các công trình để đảm bảo an toàn.
Để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã thông báo cấm biển trên địa bàn kể từ 18 giờ ngày 12/10 cho đến khi có thông báo mở biển.