Ngày 14/12, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức họp báo về kết quả công tác năm 2016; trong đó, một số vấn đề liên quan tới giải ngân, kiểm soát chi, huy động vốn thu hút được nhiều sự quan tâm. Đáng chú ý, ông Vũ Đức Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước cho biết, việc thực hiện thanh toán một số khoản chi bằng thẻ chi tiêu công trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp tại các địa phương còn khá dè dặt.
Theo số liệu ông Nguyễn Mạnh Cường, Chánh Văn phòng Kho bạc Nhà nước đưa ra, đối với chi thường xuyên, tính đến ngày 30/11/2016, hệ thống Kho bạc Nhà nước kiểm soát đạt 659.386 tỷ đồng (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung, quỹ dự trữ tài chính, dự phòng) bằng 78,8% dự toán năm. Thông qua việc kiểm soát chi thường xuyên, các đơn vị thuộc Kho bạc Nhà nước phát hiện và yêu cầu bổ sung hồ sơ thanh toán khoảng 26.396 khoản chưa đủ thủ tục, số tiền thực từ chối thanh toán là 24,6 tỷ đồng.
Hoạt động giao dịch kế toán tại KBNN Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Hùng /TTXVN |
Trước con số đưa ra này, ông Hiệp cho biết, khoản chi mà Kho bạc Nhà nước từ chối thanh toán do hồ sơ không đảm bảo đủ điều kiện để chi ngân sách; theo đó, có những khoản đơn vị này từ chối thanh toán. Để kiểm soát chi thường xuyên, thời gian qua, Kho bạc Nhà nước triển khai thanh toán một số khoản chi bằng thẻ chi tiêu công tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thực tế triển khai cho thấy, các đơn vị sự nghiệp công còn khá dè dặt trong thực hiện.
Theo ông Hiệp, nguyên nhân dẫn tới sự dè dặt trên là bởi với cách làm này, các đơn vị sẽ phải bố trí một người đủ tin tưởng để quản lý thẻ chi tiêu, đây là vấn đề không hề đơn giản. Nhiều đơn vị e ngại nếu giao không đúng đối tượng khả năng dẫn tới việc khó quản lý khoản chi.
Trong năm 2016, các đơn vị Kho bạc Nhà nước các cấp triển khai mô hình một cửa, một giao dịch viên; phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi các cơ chế, chính sách liên quan đến việc chi đầu tư xây dựng cơ bản; kiểm soát cho vốn ngoài nước. Qua đó, loại bỏ các hồ sơ, chứng từ không cần thiết tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các đơn vị sử dụng ngân sách.
Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành triển khai thí điểm 3 dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh phối hợp thu, kết nối trao đổi thông tin, dữ liệu thu ngân sách nhà nước với các cơ quan thu và hệ thống ngân hàng thương mại.