Quang cảnh hội nghị hiệp thương lần thứ hai, giới thiệu sơ bộ danh sách người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2016 – 2021. Ảnh: Thu Hằng-TTXVN |
Ngày 17/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lào Cai đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần hai thỏa thuận danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2016-2021.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tiến hành thảo luận, thống nhất lập danh sách gồm 10 đại biểu ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV, trong đó có 7 đại biểu nam và 3 đại biểu nữ. 100% người ứng cử đã tốt nghiệp đại học. Trong 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, có 8 đại biểu là người dân tộc thiểu số.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thống nhất danh sách 114 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Lào Cai; trong đó 63% là người dân tộc thiểu số, phần lớn có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, đảm bảo đúng thành phần, cơ cấu.
Tại Hội nghị hiệp thương lần thứ hai do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La tổ chức đã thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Trên cơ sở thông báo của Hội đồng bầu cử Quốc gia, Hội nghị hiệp thương lần thứ hai tỉnh Sơn La đã thảo luận, thống nhất danh sách sơ bộ số người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh Sơn La. Theo đó, tỉnh Sơn La được bầu 7 đại biểu, gồm 4 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương và 3 đại biểu do Trung ương giới thiệu. Số đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tại tỉnh Sơn La là 3 (đơn vị).
Ngày 17/3, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị hiệp thương lần hai giới thiệu sơ bộ danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2020.
Theo đó, Lâm Đồng có 16 người ứng cử vào đại biểu Quốc hội; trong đó, 15 người được các cơ quan, đơn vị giới thiệu. Về cơ cấu độ tuổi và thành phần đều đáp ứng đủ và vượt quy định của Trung ương. Cụ thể, nữ có 5 đại biểu (33,33%), dân tộc thiểu số 6 đại biểu (40%), người ngoài Đảng 4 đại biểu (26,67%), trẻ 5 đại biểu (33,33%). Có một người tự ứng cử là ông Bùi Minh Quốc, 76 tuổi, quê xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), thường trú tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), nghề nghiệp viết báo, viết văn. Hội nghị đã nhất trí thông qua danh sách sơ bộ này.
Trên cơ sở văn bản số 1041/UBTVQH13-CTĐB của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự kiến phân bổ cho tỉnh Lâm Đồng được bầu 7 đại biểu Quốc hội khóa XIV, trong đó có 3 đại biểu do Trung ương giới thiệu. Cùng ngày, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hiệp thương lần thứ 2 giới thiệu sơ bộ danh sách những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2020. Hội nghị đã thông qua danh sách sơ bộ 152 người được giới thiệu ứng cử.
Ngày 17/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Căn cứ các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, các đại biểu dự Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đã thảo luận và biểu quyết 100% nhất trí lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tại địa phương gồm 12 người, được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu với cơ cấu, thành phần như sau: đại biểu nữ chiếm 58,33%; đại biểu trẻ chiếm 16,6%; đại biểu ngoài Đảng chiếm 8,3%, đại biểu dân tộc thiểu số 16,6%, đại biểu tái cử 8,3%.
Hội nghị cũng tiến hành thảo luận và biểu quyết 100% nhất trí chốt danh sách sơ bộ 93 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021, được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu. Về cơ cấu, thành phần: tỷ lệ nữ chiếm 33,48%%; dân tộc thiểu số 5,38%; trẻ tuổi 19,35%; ngoài đảng 5,38%; tôn giáo 3,23%; tái cử 22,58%...
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Phước đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần hai nhằm thống nhất danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND tỉnh Bình Phước nhiệm kỳ 2016-2021.
Tại hội nghị hiệp thương lần hai các đại biểu đã thống nhất sơ bộ danh sách tổng số người được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội tại Bình Phước là 11 người; trong đó có 2 người do Trung ương giới thiệu, 9 người do địa phương giới thiệu (trong số 9 ứng cử viên do địa phương giới thiệu có 4 vị là nữ, 2 vị là người dân tộc thiểu số...) Đối với 1 trường hợp tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV do không đủ điều kiện về hồ sơ nên không được đưa vào danh sách.
Tại hội nghị hiệp thương lần hai, các đại biểu cũng đã thống nhất danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Bình Phước nhiệm kỳ 2016-2021 gồm 111 người.
Chiều 17/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Bình đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016-2021.
Tính đến 17 giờ ngày 12/3, có 10/10 cơ quan, đơn vị hoàn thành việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV theo phân bổ của Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và nộp hồ sơ giới thiệu người ứng cử về Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh với 12 người được giới thiệu. Những người được giới thiệu lần này đều được cử tri nơi công tác nhận xét đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội và đạt tỷ lệ tín nhiệm cao của lãnh đạo và cử tri nơi công tác.
Đối với người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021, có 106 cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ giới thiệu đã hoàn thành việc giới thiệu vào ngày 10/3. Theo đó, tổng số người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu là 126. Trong số người được giới thiệu có 46 nữ (chiếm 36,5%), số người được giới thiệu là ứng cử quần chúng 16 người (chiếm 12,7%), người trẻ tuổi 28 người (chiếm 22,2%), người dự kiến tái cử 22 người (chiếm 32,8%).
Ngày 17/3, Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai thống nhất danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.
Sau khi thảo luận, xem xét, các đại biểu thống nhất biểu quyết 100% nhất trí chốt danh sách sơ bộ số người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh gồm 245 người. Trong đó, nữ chiếm 44,66%, ngoài Đảng chiếm 10,28%, người dưới 35 tuổi chiếm 20,95%, dân tộc thiểu số chiếm 19,37%. Như vậy, sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai, có 8 trường hợp đưa ra khỏi danh sách người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, trong đó có 5 đại biểu không đúng thành phần, 1 đại biểu tín nhiệm thấp, 1 đại biểu giới thiệu không đúng nơi công tác, 1 đại biểu quá tuổi.
Trước đó, tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong tỉnh Quảng Ninh đã giới thiệu 252 người ứng cử HĐND tỉnh và có 1 người tự tham gia ứng cử.
Đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã nhận bàn giao toàn bộ số hồ sơ người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh do Ủy ban bầu cử tỉnh chuyển đến. Qua rà soát hồ sơ, biên bản các hội nghị cho thấy những người được giới thiệu ứng cử về cơ bản đều đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND, được cử tri tín nhiệm cao.
Ngày 17/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 và HĐND tỉnh khóa IX.
Các đại biểu biểu quyết tại Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, giới thiệu sơ bộ danh sách người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2016 – 2021. Ảnh: Nguyễn Thanh Liêm - TTXVN |
Theo báo cáo, tình hình giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được tiến hành theo đúng về phân bổ số lượng, cơ cấu, thành phần quy định. Đến ngày 15/3, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu đã nhận 10 hồ sơ của ứng cử viên được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu và một hồ sơ tự ứng cử. Kết quả lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi công tác của người ứng cử cho thấy có 10/10 ứng cử viên được cử tri biểu quyết tín nhiệm 100%. Tuy nhiên, tính đến ngày 16/3, có một ứng cử viên xin rút không tham gia ứng cử. Đối với cơ cấu, thành phần của người được giới thiệu ứng cử bao gồm: tổ chức chính trị 2 người, chính quyền 6 người, lực lượng vũ trang 2 người và tự ứng cử 1 người, trong đó, đại biểu nữ có 6 người.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc cũng đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Theo báo cáo, đến ngày 15/ 3, Ủy ban bầu cử đã chốt danh sách 101 ứng cử viên , trong đó có 100 người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ra ứng cử và một người tự ứng cử. Kết quả ý kiến, nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi công tác về những người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa IX cho thấy đa số các đại biểu đều được cử tri tín nhiệm. Về số lượng, cơ cấu thành phần người được giới thiệu ứng cử có 12 người thuộc khối Đảng, 35 người khối Nhà nước, Mặt trận Đoàn thể 10 người, khối huyện - thị xã - thành phố 15 người, lực lượng vũ trang 6 người, khối kinh tế 8 người, khối sự nghiệp 8 người, cơ sở 2 người, tôn giáo 2 người, tổ chức nghề nghiệp 2 người và tự ứng cử 1 người; trong đó, đại biểu nữ là 43 người và tái cử là 22 đại biểu.
Ngày 17/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị hiệp thương lần hai, lập danh sách sơ bộ của ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.
Tại hội nghị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cho biết, đến ngày 12/3, đơn vị đã tiếp nhận 15 hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội do cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu. Những người được giới thiệu đưa ra lấy ý kiến cử tri nơi công tác đều đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định và được 100% cử tri nơi cư trú công tác tín nhiệm. Đại biểu là nữ chiếm trên 33% , độ tuổi dưới 40 chiếm 40% và 60% có trình độ từ Thạc sỹ trở lên.
Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận 118 hồ sơ giới thiệu người ứng cử của các đơn vị, địa phương và 1 hồ sơ tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, nhiệm kỳ 2016 – 2021; trong đó, tỷ lệ nữ chiếm 37%, dưới 35 tuổi chiếm 16%, ngoài Đảng chiếm 8,4%, 14% Thạc sỹ , 71% Đại học.
Sau khi thảo luận, căn cứ vào các nội dung về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử và các quy định liên quan, các đại biểu tham dự hội nghị đã thống nhất thông qua danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV gồm 15 người và danh sách người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 gồm 119 người.
Ngày 17/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hòa Bình tổ chức hội nghị hiệp thương lần hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và Đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Tại hội nghị, đồng chí Nghiêm Phú Doãn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Hoà Bình trình bày báo cáo kết quả giới thiệu người ứng cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, ý kiến nhận xét của cử tri nơi công tác và danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Số lượng đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình được bầu là 6 đại biểu. Tổng số đại biểu ứng cử 12 đại biểu; trong đó, 2 đại biểu do Trung ương giới thiệu, lãnh đạo chủ chốt của tỉnh 1 đại biểu, đại biểu chuyên trách 1 đại biểu; đại biểu Viện kiểm sát tỉnh, thành phố 2 đại biểu là nữ, dân tộc Mường và 6 đại biểu do địa phương tự giới thiệu. Các đơn vị có người ứng cử đại biểu Quốc hội đã mở 10 hội nghị ban lãnh đạo với 51 cử tri tham gia; 10 hội nghị cử tri nơi công tác với tổng số 356 cử tri tham gia; 10 hội nghị lãnh đạo mở rộng với tổng số 201 cử tri tham gia. Kết quả tín nhiệm các hội nghị đều đạt tỷ lệ 100% nhất trí. Sau khi thảo luận, 100% đại biểu dự hội nghị hiệp thương đã biểu quyết thông qua danh sách những người được ứng cử giới thiệu đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Cùng ngày, Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Hòa Bình cũng đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử Đại biểu HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Tổng số người được phân bổ ứng cử Đại biểu HĐND tỉnh Hòa Bình khoá XVI là 123 người; tổng số người tham gia ứng cử 123 người. Trong đó, 43 đại biểu nữ; 26 đại biểu ngoài Đảng; 27 đại biểu trẻ và không có đại biểu tự ứng cử.
Ngày 17/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, thống nhất danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.
Sau hiệp thương lần thứ nhất, trên cơ sở điều chỉnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội được bầu của tỉnh Thái Nguyên gồm 7 đại biểu, trong đó Trung ương giới thiệu 3 đại biểu, 4 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên đã gửi thông báo cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV đến từng cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức giới thiệu 24 người ứng cử, ngoài số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV được phân bổ, Thái Nguyên có 2 đại biểu tự ứng cử.
Đối với đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2016 - 2021, toàn tỉnh có 176 người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử (trong đó cơ quan, tổ chức, đơn vị ở tỉnh giới thiệu 43 người; các đơn vị huyện, thành phố, thị xã giới thiệu 133 người), một người tự ứng cử. Các hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác đã được thực hiện đúng luật, đúng quy trình, tỷ lệ tín nhiệm đạt 100% cử tri có mặt.
Tại vòng hiệp thương lần thứ hai, hội nghị đã thống nhất danh sách sơ bộ gồm 17 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và 147 người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Ngày 17/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội nghị Hiệp thương lần thứ hai giới thiệu danh sách 104 đại biểu ứng cửa, trong đó có 11 ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và 93 đại biểu ứng cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, tỷ lệ nữ và tỷ lệ trẻ chiếm 45,45%, tăng so với dự kiến phân bổ. Riêng danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có tỷ lệ dân tộc, tôn giáo và tỷ lệ tái cử tăng từ 1 – 2 người so với dự kiến phân bổ. Tỉnh Vĩnh Long không có người tự ứng cử.
Tại Hội nghị hiệp thương, các đại biểu đề nghị bổ sung lý lịch đầy đủ đối với một số trường hợp để cử tri nắm rõ hơn. Đối với 7 trường hợp ứng cử viên có tỷ lệ tín nhiệm đạt từ 78,95% đến 96,36%, hội nghị tiến hành bỏ phiếu để thống nhất danh sách đại biểu ứng cử, qua đó có 5 trường hợp được tiếp tục tín nhiệm đề cử vào danh sách ứng cử.