Hỗ trợ người tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đang định cư ở nước ngoài
Nghị định 102/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài sẽ có hiệu lực từ ngày 5/9.
Theo đó, đối tượng được hưởng chế độ gồm:
- Người đã có quyết định công nhận là người có công với cách mạng thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng (bao gồm cả thân nhân của liệt sĩ được hưởng trợ cấp hằng tháng) theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, đang định cư ở nước ngoài nhưng bị dừng hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng do hoạch định biên giới Quốc gia.
- Người tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đang định cư ở nước ngoài, gồm: Quân nhân, công nhân viên quốc phòng tham gia kháng chiến chống Pháp nhập ngũ hoặc tuyển dụng vào Quân đội trước ngày 20/7/1954 đã phục viên (giải ngũ, thôi việc) từ ngày 31/12/1960 trở về trước; Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhập ngũ, tuyển dụng từ ngày 30/4/1975 trở về trước đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 1/4/2000 (bao gồm cả đối tượng đi học tập, lao động hợp tác quốc tế đang định cư ở nước ngoài);
Dân quân tập trung ở miền Bắc, trực tiếp làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trong khoảng thời gian từ tháng 8/1964 đến ngày 27/1/1973 (đối với dân quân tập trung thuộc các xã giáp ranh bên bờ Bắc sông Bến Hải trên vĩ tuyến 17 và các xã nằm trong khu phi quân sự trong khoảng thời gian từ tháng 7/1954 đến ngày 30/4/1975); Thanh niên xung phong tham gia kháng chiến trong khoảng thời gian từ tháng 7/1950 đến ngày 30/ 4/1975 (bao gồm cả thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến trong khoảng thời gian từ tháng 3/1965 đến ngày 30/4/1975);... cũng thuộc đối tượng được hưởng chế độ này.
Văn bản điện tử phải được gửi ngay trong ngày ký ban hành
Theo Quyết định 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước sẽ có hiệu lực từ ngày 6/9.
Theo đó, văn bản điện tử phải được gửi ngay trong ngày văn bản đó ký ban hành, chậm nhất là trong buổi sáng của ngày làm việc tiếp theo. Văn bản điện tử đến sau khi được tiếp nhận, nếu bảo đảm giá trị pháp lý phải được xử lý kịp thời, không phải chờ văn bản giấy (nếu có).
Trường hợp văn bản điện tử thuộc loại khẩn phải được đặt ở chế độ ưu tiên, ghi rõ mức độ khẩn, gửi ngay sau khi đã ký số và phải được trình, chuyển giao xử lý ngay sau khi tiếp nhận.
Quyết định này áp dụng đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Hiệu trưởng trường phổ thông phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn
Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông có hiệu lực từ ngày 4/9.
Theo đó, hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn gồm: phẩm chất nghề nghiệp; quản trị nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục; phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội; sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin.
Về quy trình đánh giá và xếp loại kết quả theo tiêu chuẩn hiệu trưởng, thông tư quy định: Hiệu trưởng tự đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng; nhà trường tổ chức lấy ý kiến giáo viên, nhân viên trong trường đối với hiệu trưởng theo chuẩn hiệu trưởng.
Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp thực hiện đánh giá và thông báo kết quả đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn hiệu trưởng trên cơ sở kết quả tự đánh giá của hiệu trưởng, ý kiến của giáo viên, nhân viên và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng thông qua các minh chứng xác thực, phù hợp.
Hiệu trưởng tự đánh giá theo chu kỳ một năm một lần vào cuối năm học. Cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp đánh giá hiệu trưởng theo chu kỳ hai năm một lần vào cuối năm học. Trong trường hợp đặc biệt, cơ quan quản lý cấp trên quyết định rút ngắn chu kỳ đánh giá.