Đây cũng chính là hội nghị nhằm tiếp thu các ý kiến đóng góp để xây dựng chương trình hành động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thực hiện nhiệm vụ ngành theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, năm 2021 được xác định là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Vì vậy, rất cần thiết phải quán triệt các chỉ thị của Bộ Chính trị, định hướng chỉ đạo của Chính phủ về giao trách nhiệm cho các bộ, ngành khẩn trương xây dựng chương trình hành động, tập trung thực hiện nhiêm vụ của ngành, đơn vị mình.
Tại hội nghị, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu nghiên cứu, tích cực đóng góp ý kiến tâm huyết về 4 vấn đề lớn của toàn ngành liên quan đến văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Đây là những vấn đề lớn, khó, đòi hỏi có sự nghiên cứu sâu. Việc xây dựng các chương trình hành động phải sát với thực tiễn, nắm vững các quan điểm của đảng nhưng cũng phải vận dụng sáng tạo để thực hiện hiệu quả trong cuộc sống.
Trước đó, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm việc với các tổ chức liên quan để chuẩn bị xây dựng đề án. Tuy vậy vẫn cần sự đóng góp trí tuệ của toàn ngành để hoàn thiện các nội dung cụ thể với từng lĩnh vực thông qua thảo luận chuyên sâu...
Cụ thể, tại hội nghị, các đại biểu đã nghe, cho ý kiến về các công việc cần tập trung trong thời gian tới về công tác cán bộ, nhất là hoàn thiện, bổ sung các quy chế cần thiết để điều hành công việc thông suốt, hạn chế sự giao thoa, chồng lấn không rõ trách nhiệm.
Tiếp theo, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến nhằm hoàn thiện Chiến lược văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến 2030, để lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm trình Chính phủ kí ban hành. Chiến lược này cần tuân thủ nội dung của Chiến lược Kinh tế - xã hội 10 năm mà Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu, theo phương hướng là rõ công việc, không đề cập quá nhiều những vấn đề kinh viện, hàn lâm mà đi vào nội dung thực chất, trọng yếu cần phải làm. Chiến lược phải nêu rõ công việc cần làm trong 5 năm tới để tháo gỡ những khó khăn, bất cập, từ đó hướng tới hoạt động trọng tâm, trọng điểm, làm theo tinh thần từ dễ đến khó, vận động mọi người, mọi cấp cùng làm, lan tỏa những tinh thần, giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Chiến lược về văn hóa được coi là gốc của toàn bộ chương trình, nếu thực hiện được thành công chiến lược này, đương nhiên sẽ tác động trở lại lĩnh vực du lịch, thể thao...
Về du lịch, nhiệm vụ trọng tâm là chương trình hành động của ngành trong thực hiện phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, trên cơ sở này, đặc biệt là căn cứ vào tình hình thực tiễn, thiệt hại do dịch COVID – 19 tác động đến ngành du lịch. Từ đó, ngành cần có phương án lựa chọn hành động theo hướng nhấn mạnh công việc cần quan tâm, nội dung cần chỉ đạo, làm rõ vai trò quản lý nhà nước của các đơn vị liên quan; tập trung vào nhiệm vụ chuyển đổi số; phát triển sản phẩm, xây dựng hạ tầng và kết nối để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã đề ra.
Với vấn đề thể dục - thể thao, cần hoàn thiện lại Chương trình hành động của ngành với chuyên đề xuyên suốt là triển khai sâu rộng Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", từ đó nhân rộng thể thao quần chúng làm nền tảng đẩy mạnh thể thao thành tích cao. Trước mắt, ngành thể thao sẽ tập trung toàn lực để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra trong kỳ SEA Games lần thứ 31, ASEAN Para Games lần thứ 11 sẽ diễn ra tại Việt Nam vào cuối năm 2021; Olympic Tokyo 2021 tại Nhật Bản...
Vấn đề thứ tư liên quan đến gia đình mà các đại biểu đề cập là xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình Việt Nam trên cơ sở phát huy đầy đủ những phẩm chất con người Việt Nam như tại Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Chiến lược xây dựng gia đình để có cái nhìn tổng thể nhất...