Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã nghe báo cáo về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai năm 2023; tình hình công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thuộc ngành quản lý trên địa bàn; những khó khăn, vướng mắc tại địa phương và những đề xuất, kiến nghị mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm, tháo gỡ.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị, thời gian tới, Gia Lai cần quan tâm hơn đến công tác quản lý đất đai; giải quyết việc sử dụng đất đai bảo đảm theo đúng trình tự và quy định của pháp luật; tiếp tục lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai một cách có hiệu quả. Bộ trưởng đề nghị Gia Lai xây dựng bảng giá đất trình Hội đồng nhân dân tỉnh, vì bảng giá đất sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan đến thực hiện đầu tư phát triển của địa phương như: Đền bù, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng.
Đại diện lãnh đạo các cục chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp thu, giải đáp một số ý kiến, đề xuất của UBND tỉnh Gia Lai. Một số nội dung đáng chú ý như: hướng dẫn đối với các kiến nghị về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; về giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng; việc cấp giấy phép khai thác tận thu cát xây dựng trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi; việc sửa đổi một số quy định để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên lĩnh vực bảo vệ môi trường; cấp bổ sung kinh phí đối với các nhiệm vụ, dự án thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý do tỉnh Gia Lai đang thực hiện trên địa bàn tỉnh, cùng một số vướng mắc trong công tác thủy lợi và phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long cho biết, để ngành Tài nguyên và Môi trường phát triển bền vững, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngoài sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đồng hành của doanh nghiệp, ủng hộ của nhân dân, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ mạnh mẽ của Trung ương, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường, để tỉnh phát huy lợi thế và đạt được mục tiêu của ngành đề ra đến năm 2030, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương cũng như khu vực Tây Nguyên.
Tỉnh Gia Lai đề xuất các cơ quan Trung ương đề xuất sửa đổi chính sách pháp luật về lâm nghiệp, đất đai thực hiện giao đất lâm nghiệp chưa có rừng để phát triển rừng, trồng rừng đồng thời phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên; xử lý vấn đề dân chiếm canh trên đất lâm nghiệp tồn tại từ trước đến nay. Tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Bộ tiêu chí hướng dẫn cụ thể các quy trình, quy định về bảo vệ môi trường theo từng quy mô chăn nuôi; hướng dẫn để có sự thống nhất các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi để thực hiện.