Đây là chia sẻ của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khi trao đổi về Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành. Kế hoạch này nêu rõ “cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến thực thi nhiệm vụ”.
Nhận biết và có quan điểm phản bác các thông tin xấu, độc
Thưa Bộ trưởng, vì sao Thủ tướng lại đưa ra quy định này?
Thời gian gần đây, chúng ta đã kiểm soát và loại bỏ nhiều tin xấu, độc, bịa đặt, nhưng trên mạng xã hội vẫn còn nhiều thông tin thất thiệt, tin tức giả, mà hậu quả lại rất thật, thậm chí nghiêm trọng. Vì vậy, cán bộ, công chức, viên chức và người dân phải có được quan điểm và lập trường vững vàng là quan trọng nhất. Với quan điểm, lập trường vững vàng, khi nghe những tin xấu, tin độc, đọc vào là biết ngay và nhận ra ngay ai là người nói đúng, ai là người tuyên truyền, xuyên tạc, kích động.
Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức phải nâng cao trách nhiệm, nhận thức để khi gặp những thông tin xấu, độc, không đúng, bịa đặt, tự mỗi người xác định được thông tin đó là thật hay giả. Một số thông tin đã bị suy diễn, hư cấu, bịa đặt, thổi phồng lên, tạo ra một cái gì đó rất mập mờ, không minh bạch, rõ ràng, đấy cũng là cách thu hút, câu view, câu “like”, tạo sự giật gân, khác thường, xa rời bản chất của sự thật. Nếu chúng ta có bản lĩnh, lập trường vững vàng thì chắc chắn sẽ nhận biết được.
Mục tiêu chỉ đạo của Thủ tướng là mong muốn tất cả cán bộ, công chức thấm nhuần trong tư tưởng, có suy nghĩ, văn hóa lành mạnh trong hoạt động công vụ cũng như ứng xử ngoài xã hội. Từ đó, nhận biết được và có quan điểm phản bác các thông tin xấu, độc tác động vào ngay bản thân mỗi chúng ta.
Bộ trưởng có chia sẻ gì với cán bộ, công viên chức khi tham gia mạng xã hội?
Tôi cho là chúng ta nên xác định những giá trị khi chúng ta tham gia mạng xã hội, mục tiêu chúng ta tham gia là cái gì. Nếu tham gia để tìm hiểu thông tin cũng là điều tốt.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin thì thế giới ảo, xã hội ảo đòi hỏi chúng ta phải truy cập mạng xã hội để xem xét, cập nhật tất cả thông tin xung quanh, điều đó là cần thiết. Nếu chúng ta đóng kín cửa, ngồi trong nhà thì không nên. Nhưng quan trọng là chúng ta có quan điểm, tư tưởng, kiến thức vững vàng khi tham gia một vấn đề nào đó trên mạng xã hội, hoặc bình luận một việc gì đó phải xem xét kỹ lưỡng. Khi tham gia mạng xã hội, dù không phải tên mình thì cũng phải có trách nhiệm. Cái gì tốt chúng ta cổ vũ, cái không tốt chúng ta có phản biện hợp lý, trên tinh thần xây dựng.
Tham gia mạng xã hội là tốt nhưng phải có trách nhiệm với xã hội và những người xung quanh. Nếu đưa đẩy những thông tin không tốt sẽ ảnh hưởng tiêu cực, nghiêm trọng đến những người xung quanh chúng ta, đặc biệt là giới trẻ.
Có công cụ nào để kiểm soát việc công chức, viên chức tham gia mạng xã hội, phát hiện họ đăng, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, thưa Bộ trưởng?
Quy định của Đảng, Nhà nước về nội dung này đều đã có, từ quy định những điều Đảng viên không được làm đến quy định trong Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức. Khi xây dựng Chính phủ điện tử, chúng tôi cũng đang yêu cầu xây dựng phần mềm với tính năng chấm điểm, đánh giá khách quan. Cán bộ, công chức, viên chức làm không tốt thì điểm đánh giá là không tốt và không ai có thể tác động vào máy móc thiết bị vì nó sẽ lưu vết, rất khách quan.
Nhiều trường hợp mạo danh người của Văn phòng Chính phủ đi chạy dự án
Facebook cũng là một kênh để Văn phòng Chính phủ cung cấp thông tin đến báo chí, người dân trong thời gian qua. Có khi nào trang này gặp phải sự cố hoặc những bình luận xuyên tạc, phiến diện?
Từ tháng 10/2015, trang Facebook Thông tin Chính phủ đi vào hoạt động, hàng ngày thường xuyên cập nhật tin tức hoạt động của Lãnh đạo Chính phủ, thông tin về công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vấn đề thời sự khác. Thông tin đăng tải hầu hết nhận được sự tương tác, bình luận của người đọc. Văn phòng Chính phủ luôn luôn là cơ quan đầu tàu, gương mẫu trong việc này.
Thông tin trên mạng xã hội, các hệ thống báo chí, cả những việc liên quan đến thông tin lạ, xấu, độc đều được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tập hợp hàng ngày. Tôi và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ thường xuyên xem và nghe hết các thông tin này để chọn lọc báo cáo lên Thủ tướng.
Thời gian qua, không ít trang mạng xã hội, trang thông tin mạo danh các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Theo Bộ trưởng, cần có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này? Ông có gặp phải tình trạng bị mạo danh?
Có chứ, có người mạo danh tôi đi làm nhiều chuyện lắm. Khi nhận được những phản ánh về việc mạo danh, một mặt tôi khẳng định những điều đó là không có, đấy là giả mạo, một mặt tôi cũng đề nghị cơ quan an ninh điều tra vào cuộc. Chúng ta phải cảnh giác và thông báo cho các cơ quan chức năng ngay đấy là thông tin giả, lừa gạt người dân.
Ngoài ra còn có tình trạng mạo danh các thư, danh thiếp, mạo danh các chức danh không có hoặc có nhưng không thực, hoặc có chức danh ấy nhưng không phải con người thực tế. Rất nhiều trường hợp mạo danh giới thiệu là người của Văn phòng Chính phủ đi chạy dự án, xin việc làm, lừa người dân. Khi chúng tôi nhận được những thông tin như vậy, chúng tôi trả lời các cơ quan ngay là “Văn phòng Chính phủ không có những trường hợp này và đây là mạo danh”.
Tình trạng này thực tế có xảy ra và chúng tôi rất kiên quyết xử lý, công khai, minh bạch để người dân không bị hiểu lầm. Vừa rồi, chúng tôi đề nghị cơ quan điều tra xử lý mấy trường hợp liên quan đến mạo danh đi huy động tiền xây chùa, và cơ quan công an đã làm rất kiên quyết. Tôi cho đấy là những thông tin không tốt.
Trong buổi họp các cơ quan chức năng liên quan đến đánh giá vấn đề quản lý hoạt động trên mạng xã hội, Thủ tướng đã giao cơ quan chức năng nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an… phải có giải pháp căn cơ, các biện pháp pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, đặc biệt, phải có kiểm soát với các nhà mạng lớn, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Cùng với đó, chúng ta phải tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng cho người dân. Thực chất có những mạng xã hội nói nhà mạng nước ngoài đặt máy chủ tại nước ngoài nhưng thông tin lại được đưa từ Việt Nam. Vậy thì chính chúng ta phải tuyên truyền, phổ biến đến mỗi cơ quan, đơn vị và người dân để thấy rằng việc ấy là hư cấu, là bị lừa để có ứng xử phù hợp.
Ngòi bút của nhà báo là vũ khí sắc bén
Bộ trưởng nhìn nhận thế nào về vai trò và trách nhiệm của báo chí trong việc đẩy lùi thông tin giả mạo, thất thiệt?
Tôi cho rằng, việc báo chí tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước và thông tin về đất nước Việt Nam đến với bạn bè quốc tế hiện nay đang rất tốt. Như sự kiện hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tổ chức ở Việt Nam cuối tháng 2/2019 đã cho thấy báo chí đã thể hiện rất tốt vai trò của mình.
Trong điều kiện hội nhập và xu thế toàn cầu vai trò của báo chí càng lớn. Báo chí phản ánh chân thực cuộc sống, đồng thời công bố những thông tin chính thống, phản hồi, bác bỏ, để đấu tranh với thông tin xấu độc. Cuộc sống bao gồm điều tốt đẹp và cả những điều chưa tốt, như sự việc đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng đi làm việc ở Vĩnh Phúc bị lập biên bản vì nhận tiền hối lộ, báo chí thông tin giúp người dân biết, lên án việc làm không đúng. Còn đối với những thông tin xấu độc, xuyên tạc, bôi nhọ, vận động biểu tình bạo loạn, hay cổ vũ lối sống không lành mạnh như hướng dẫn sử dụng ma túy trên mạng… càng phải có phản bác, có bài viết loại trừ.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, truyền thông kéo theo sự phát triển quá nhanh chóng của thông tin điện tử, mạng xã hội, khiến thông tin báo chí bị cạnh tranh gay gắt. Tin giả, thông tin sai sự thật trên mạng ngày càng gia tăng, có lúc, có nơi lấn át thông tin báo chí.
Vì thế, hơn lúc nào hết báo chí, các nhà báo phải thể hiện những giá trị cốt lõi của mình, theo những nguyên tắc cơ bản của nghề báo: Chính xác, chính thống, nhanh nhạy… Đặc biệt là nhà báo phải có quan điểm lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng.
Báo chí cần khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng, đồng thời chủ động thích ứng với công nghệ làm báo mới đang thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng hiện đại. Tôi mong các nhà báo luôn ý thức được vai trò, sứ mệnh của mình là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, chủ động đưa thông tin chính thống, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, đấu tranh đẩy lùi cái ác, cái xấu, cái bất công, thiếu chuẩn mực xã hội theo Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Cuộc đấu tranh chống lại thông tin xuyên tạc và xấu, độc là sứ mạng mới của báo chí. Cuộc đấu tranh này sẽ khẳng định lại vai trò của báo chí trong đời sống xã hội.
Tôi chúc các cơ quan báo chí, những người làm báo thực hiện đúng lời Bác Hồ đã dạy, “ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”, phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của đất nước, của dân tộc, góp phần tạo nên và nuôi dưỡng khát vọng dân tộc.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!