Bộ trưởng Lê Thành Long: Không khả thi nếu tịch thu 45% tài sản không giải trình được nguồn gốc

Theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, quan điểm ban đầu của Bộ Tư pháp trong xử lý tài sản mà không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp là phải thực hiện quy trình tố tụng tư pháp về dân sự, đưa ra toà để xem xét, giống như các vụ việc về chiếm hữu tài sản một cách không có căn cứ.

Liên quan đến Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, trong phiên chất vấn sáng nay 19/3 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đã đề nghị Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho ý kiến bằng văn bản về quan điểm của Bộ trong việc xử lý tài sản tăng thêm trong trường hợp không giải trình được nguồn gốc đã nêu trong dự thảo luật để có thể trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp trong tháng 4 tới đây. 

Khẳng định đây là dự án luật khó, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) chuẩn bị trình tại kỳ họp sắp tới của Quốc hội nhưng hiện vẫn còn ý kiến khác nhau.

Liên quan đến vấn đề xử lý tài sản tham nhũng, có ý kiến đề xuất và Chính phủ cũng đã trình là đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%. Với tư cách là một thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết về mặt kỷ cương hành chính thì ông tuân thủ ý kiến của Chính phủ.

"Tuy nhiên tôi có ý kiến bổ sung. Theo công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng thì cách xử lý của người ta là những gì không chứng minh được thì tịch thu hoặc xử lý hình sự. Trung Quốc cũng xử lý như vậy. Riêng Việt Nam thực hiện ngay thì chưa được, không khả thi", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, quan điểm ban đầu của Bộ Tư pháp là đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì phải thực hiện quy trình tố tụng tư pháp về dân sự, đưa ra toà để xem xét, giống như các vụ về chiếm hữu tài sản một cách không có căn cứ. Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tục phối hợp với Uỷ ban Tư pháp và các cơ quan liên quan để có ý kiến trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. 

Trước đó, Chính phủ đã bổ sung các quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực và tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình một cách hợp lý vào dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Theo đó, Chính phủ đã đề xuất truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45% tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không kê khai tài sản, thu nhập biến động mà không được giải trình một cách hợp lý.

Việc truy thu thuế này không loại trừ trách nhiệm nếu các cơ quan có thẩm quyền chứng minh tài sản đó có được do vi phạm pháp luật, phạm tội mà có. Người bị truy thu thuế có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện về kết luận xác minh tài sản, thu nhập.

Xuân Phong/Báo Tin tức
'Vênh' giữa 3 Luật về báo cáo đánh giá tác động môi trường
'Vênh' giữa 3 Luật về báo cáo đánh giá tác động môi trường

Mâu thuẫn trong quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường trong 3 luật là Luật bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công đang làm khó doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN