Kê khai tài sản được cho là một trong những giải pháp để có thể minh bạch tài sản, thu nhập, phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức; góp phần phòng ngừa và ngăn chặn tham nhũng.
Nghị định số 78/2013/NĐ – CP (ngày 17/7/2013) về minh bạch tài sản, thu nhập quy định, người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực, đầy đủ, rõ ràng, đúng thời hạn các thông tin về số lượng, giá trị tài sản, thu nhập theo quy định.
Toàn cảnh "biệt phủ" của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, nguyên giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN |
Tại Thông tư 08/2013/TT – TTCP của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập cũng quy định người kê khai tài sản, thu nhập, người giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực sẽ bị xử lý kỷ luật tùy vào mức độ vi phạm. Trong đó, hình thức cao nhất nếu kê khai không trung thực đối với cán bộ là cách chức, bãi nhiệm; đối với viên chức là cách chức…
Tuy nhiên, việc xử lý đối với tài sản kê khai không trung thực, không giải trình được nguồn gốc thì chưa có quy định nào cụ thể. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) của Thanh tra Chính phủ tại phiên họp toàn thể lần thứ tám vừa qua (ngày 5/3) của Uỷ ban Tư pháp, cũng cho thấy, kết quả tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, việc thiếu quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không kê khai; tài sản, thu nhập biến động mà không được giải trình một cách hợp lý là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn hạn chế.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã bổ sung các quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực và tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình một cách hợp lý vào dự thảo Luật. Theo đó, Chính phủ đã đề xuất truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45% tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không kê khai tài sản, thu nhập biến động mà không được giải trình một cách hợp lý.
Việc truy thu thuế này không loại trừ trách nhiệm nếu các cơ quan có thẩm quyền chứng minh tài sản đó có được do vi phạm pháp luật, phạm tội mà có. Người bị truy thu thuế có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện về kết luận xác minh tài sản, thu nhập.
Theo bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, mục đích cao nhất khi xử lý tham nhũng là thu hồi được tài sản tham nhũng của nhà nước, nhất là tài sản của dân. Bên cạnh việc xử lý con người, thì phải thu hồi được tài sản.
Vì vậy, bà Bùi Thị An cho rằng, điểm mới của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) mà Chính phủ đề xuất sẽ thu hồi tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không giải trình được là cần thiết, nên làm và làm đến cùng.
Tuy nhiên, theo bà An, nếu tài sản đó không giải trình được, không lý giải được thì phải thu toàn bộ, chứ không phải là thu hồi một phần. Việc thu hồi này cũng không phải là “đánh thuế thu nhập cá nhân”.
“Phải xác minh tài sản đó nguồn gốc là gì, nếu kê khai không trung thực, lại không lý giải được tức là tài sản đó không minh bạch và phải thu lại, chứ không phải thu thuế thu nhập cá nhân vì thu thuế tức là thừa nhận tài sản đó anh làm ra và được công nhận là hợp pháp. Hơn nữa, nếu truy thu thuế thu nhập cá nhân thì chỉ là một phần khối tài sản đó và vẫn tạo điều kiện cho tham nhũng”, bà Bùi Thị An nhấn mạnh.
Cũng theo bà An, cán bộ, công chức, viên chức là người chịu sự quản lý của cơ quan nào thì phải chấp hành quy định của cơ quan đấy, việc công khai tài sản là bắt buộc. Chỉ công khai như vậy thì độ trung thực mới dần tăng lên, công khai như thế thì dân mới giám sát được.
“Thực tế, việc công khai tài sản cũng góp phần tôn lên những người có phẩm chất, đào thải những người không trung thực. Chúng ta trân trọng người giàu do trí tuệ, do lao động, do mồ hôi nước mắt của chính họ”, bà Bùi Thị An khẳng định.