Chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long tại phiên họp 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng nay 19/3, đại biểu Đỗ Thị Lan, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh nêu lên một thực tế hiện nay trong một số luật hiện hành có nội dung quy định mâu thuẫn, không đảm bảo sự thống nhất đối với cùng một vấn đề điều chỉnh.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình làm rõ các vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Đại biểu Lan dẫn chứng, hiện Luật Đầu tư không quy định báo cáo đánh giá tác động môi trường trong hồ sơ thủ tục quyết định chủ trương đầu tư và đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư. Nhưng Luật Bảo vệ môi trường thì lại quy định đánh giá tác động môi trường phải thực hiện ngay trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và trong đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư.
"Quyết định như trên đã làm các nhà đầu tư lúng túng, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng đến đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình trong việc Bộ Tư pháp là cơ quan thẩm định dự án trước khi trình Chính phủ nhằm đảm bảo chất lượng, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; giải pháp để khắc phục bất cập trên trong thời gian tới", đại biểu Đỗ Thị Lan chất vấn.
Trả lời chất vấn của đại biểu Lan, Bộ trưởng Lê Thanh Long khẳng định, đúng là thực tế có vướng mắc, có sự sự "vênh" giữa 3 luật: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công (Quốc hội thông qua năm 2014). "Vướng mắc lớn nhất ở đây liên quan đến thời điểm có báo cáo đánh giá tác động môi trường đầy đủ", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Thành Long đã trích dẫn cụ thể, tại Khoản 2, Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường quy định trong giai đoạn lập nghiên cứu tiền khả thi để trình thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư cần có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nhưng Điều 34 của Luật đầu tư và của cả Luật Đầu tư công thì quy định trong giai đoạn đề xuất kiến nghị trình cơ quan có thẩm quyền ra quyết định về chủ trương đầu tư thì chỉ cần báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ.
Bộ trưởng cũng cho biết đã biết việc này đã đề nghị rà soát lại. Khi thẩm định anh em của Bộ cũng có băn khoăn và đã có ý kiến rằng đây mới chỉ trong giai đoạn bắt đầu, chưa có đủ thời gian, dữ kiện và chừng mực nào đó chưa đủ sự quan tâm để có báo cáo đánh giá tác động môi trường đầy đủ, nên cần cân nhắc kỹ. Khi thẩm định về Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư công cũng có ý kiến nên cố gắng căn chỉnh cho phù hợp, nếu không thì phải sửa Luật Bảo vệ môi trường.
Nêu giải pháp để giải quyết vướng mắc này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết đã báo cáo Chính phủ về vấn đề này và đã đề xuất đưa Luật Bảo vệ môi trường vào trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2019. Theo đó, cùng với quy định này Chính phủ sẽ trình sửa đổi các vấn đề khác có liên quan.
"Về báo cáo đánh giá tác động môi trường thì đang đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích luật theo hướng, đối với các dự án xin chủ trương đầu tư thì theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công, có nghĩa là trong giai đoạn này chỉ cần trình báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ", Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.
Tuy nhiên, sau khi Bộ trưởng trả lời, đại biểu Đỗ Thị Lan đã tranh luận lại. Đại biểu Lan đề nghị Bộ trưởng cho biết đến bao giờ thì có thể sửa được bất cập trong quy định của Luật Bảo vệ môi trường cũng như đề nghị nên có quy định chi tiết về tiêu chí báo cáo sơ bộ đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nếu không cũng sẽ khó thực hiện.
Trả lời phần tranh luận này của đại biểu Lan, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, sẽ xử lý tức thì mấy cái "vênh" giữa 3 luật liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường đầy đủ hay sơ bộ trong giai đoạn trình để xin chủ trương đầu tư.
Bộ trưởng cũng nhắc lại phần đã trả lời trước đó về việc Chính phủ đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin phép giải thích áp dụng theo hướng đối với yêu cầu báo cáo đánh giá tác động môi trường thì áp dụng luật Đầu tư và Đầu tư công.
Bộ trưởng cũng cho biết rất muốn đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường trong năm 2018 nhưng hiện đã "chật ních rồi". Bản thân Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần có một thời gian để nghiên cứu kỹ hơn về các khía cạnh và các vấn đề khác nhau của luật.
"Việc chủ trì soạn thảo Luật này là của Bộ Tài nguyên và Môi trường nên các vấn đề chuyên sâu chúng tôi không có đủ thông tin đề báo cáo. Riêng về mặt pháp lý và quy định pháp luật của luật này thì cũng rút kinh nghiệm từ những bất cập, chúng tôi cũng sẽ tập trung nhiều hơn đặc biệt là trong công tác thẩm định cũng cử anh chị em làm việc trực tiếp với Bộ Tài nguyên và Môi trường từ giai đoạn đầu đánh giá tác động cũng như soạn thảo để các dự thảo có chất lượng tốt hơn", Bộ trưởng Long nhấn mạnh.