Bên cạnh hoạt động chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh về tái thiết giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các thành viên trong đoàn đã có các cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, Giám đốc giáo dục toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB), đại diện tập đoàn Microsoft và Đại học New York…
Theo phóng viên TTXVN tại Washington D.C, ngày 21/9, đoàn đã có các cuộc làm việc với Chủ tịch Viện khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS) Amit Sevak, trung tâm khảo thí hàng đầu thế giới nằm trong khuôn viên trường Đại học Princeton, New Jersey. Đây cũng là một trong những chương trình làm việc quan trọng của đoàn, tập trung vào lĩnh vực khoa học kiểm tra giám sát đối với học sinh từ cấp trung học trở lên.
Nhằm thực hiện mục tiêu mang tới sự tiến bộ trong hoạt động giáo dục tại Việt Nam, từ năm 2001, ETS đã chính thức chỉ định tổ chức giáo dục IIG Việt Nam trở thành đại diện chính thức và duy nhất của Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS) trong việc cung cấp, tổ chức và quản lý hệ thống các bài thi TOEIC và TOEFL tại Việt Nam.
Trong hơn 20 năm hoạt động tại Việt Nam, IIG Việt Nam đã xây dựng được một mạng lưới đối tác và khách hàng rộng khắp, đồng thời, triển khai tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực giảng dạy tiếng Anh theo chuẩn quốc tế cho đội ngũ giảng viên, giáo viên các trường đại học, cao đẳng và phổ thông trên toàn quốc.
Tại đây, đoàn đã tổ chức Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ với các tổ chức giáo dục hàng đầu của Mỹ, trao đổi về những vấn đề nổi bật đã, đang và sẽ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo giữa Việt Nam và Mỹ. Bên lề diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc làm việc song phương với tổ chức College Board - một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trên phạm vi toàn cầu, kết nối sinh viên đến các trường đại học và cơ hội nghề nghiệp.
Phó Chủ tịch College Board Rushi Sheth, đã giới thiệu với Bộ trưởng về các chương trình chuẩn bị cho học sinh trước khi vào đại học (AP), bài thi xét tuyển đại học (SAT) và công cụ tìm kiếm trường đại học, học bổng và cơ hội nghề nghiệp (BigFuture). Phó Chủ tịch College Board Rushi Sheth cũng cho biết, hiện tỷ lệ học sinh Việt Nam tính từ năm 2018, theo học chương trình AP tăng 219%, dự thi SAT tăng 45%, điều này cho thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với các chương trình giáo dục quốc tế.
Theo Phó Chủ tịch College Board Rushi Sheth, đến tháng 3/2023 dự kiến sẽ triển khai bài thi SAT trực tuyến, điều này sẽ giúp tiết kiệm chi phí cũng như thời gian phải xếp hàng đăng ký tham dự cho các bạn học sinh trên khắp thế giới. College Board mong muốn được trở thành đối tác chiến lược của Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam để mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao cho học sinh.
Tiếp Tổng Giám đốc tổ chức Encyclopeadia Britannica (EB) Jorge Cauz, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn EB hợp tác với Việt Nam thông qua các hoạt động hợp tác với Đề án Ngoại ngữ Quốc gia và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, quan tâm và thúc đẩy hơn nữa hợp tác giáo dục, phát triển giáo dục phổ thông, tạo nền tảng vững chắc cho nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Tại cuộc tiếp Tổ chức STEM toàn cầu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã được nghe ông Andrew B. Raupp - Giám đốc Tổ chức STEM giới thiệu về tổ chức giáo dục lâu đời nhất tại Hoa Kỳ, đã phục vụ 4.500 ngôi trường, học khu và các tổ chức ở hơn 25 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trong ngày 22/9, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Washington D.C, đoàn công tác của Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có buổi tiếp Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách giáo dục và văn hóa, bà Lee Satterfield. và quyền Trợ lý Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), bà Ann Marie Yastishock.
Trong hai ngày 23 và 24/9, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các thành viên đoàn công tác đã đến thăm trường Đại học Arizona, Trường trung học Jackson Reed, Hiệp Hội Kiểm định chất lượng giáo dục Mỹ (CHEA), thăm Bảo tàng Khoa học National Graphic Learning tại thủ đô Washington D.C.
Đánh giá về kết quả của chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ từ ngày 19-24/9, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng còn quá sớm để nói về kết quả của các cuộc thảo luận, song với rất nhiều thỏa thuận được ký kết với các tổ chức giáo dục hàng đầu của Hoa Kỳ, chuyến công tác này sẽ đẩy mạnh hơn nữa những mục tiêu đổi mới giáo dục của Việt Nam, trong đó tập trung vào vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực khoa học kiểm tra đánh giá, bởi đây là một phần quan trọng trong đổi mới giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác sẽ thúc đẩy, thắt chặt hơn nữa sự hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ trong thời gian tới.