Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đối thoại với tuổi trẻ Công an nhân dân

Chiều 23/3, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị phối hợp Văn phòng Bộ Công an và các đơn vị chức năng tổ chức chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an với đoàn viên, thanh niên lực lượng Công an nhân dân.

Chú thích ảnh
 Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đối thoại với cán bộ, đoàn viên Công an nhân dân. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì chương trình đối thoại. 

Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo cho lực lượng Công an xã 

Tại chương trình, Thượng úy Nguyễn Thanh Thủy, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Đắk Lắk đặt vấn đề: Thực hiện Đề án Công an 4 cấp, thời gian qua đã có hàng ngàn đoàn viên, thanh niên Công an các đơn vị, địa phương xung phong, tình nguyện đảm nhiệm chức danh Công an xã, trong đó có nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, điều kiện công tác, sinh hoạt hết sức khó khăn. Tại tỉnh Đắk Lắk, nơi có rất nhiều dân tộc cùng chung sống, đoàn viên cũng còn nhiều hạn chế trong nói và hiểu tiếng dân tộc khi về công tác ở cơ sở. Cán bộ, chiến sĩ Công an Đắk Lắk nói chung và đoàn viên, thanh niên nói riêng có nhu cầu học tin học, ngoại ngữ và tiếng dân tộc. Tới đây, Bộ Công an có định hướng đào tạo Công an xã ra sao và hình thức thế nào để khích lệ thanh niên tự học hỏi, nhất là học tiếng dân tộc? 

Về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an rất tự hào và biểu dương trên 45.000 cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các xã, giữ vị trí Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên... đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ. Nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu trong đội ngũ Công an xã đã có những đóng góp, sáng kiến để chuyển biến tình hình an ninh trật tự tại cơ sở; nhận được sự tin cậy rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân. 

Hiện nay, mỗi xã trung bình được bố trí 5 Công an chính quy, công việc vô cùng vất vả nhưng các cán bộ, chiến sĩ đã khắc phục rất khó khăn. Công an cơ sở còn thường xuyên làm việc ngoài giờ hành chính. Hết giờ làm cũng là lúc Công an xã tăng cường làm việc, bởi tối mới là lúc tội phạm hoạt động mạnh.

Bộ trưởng Tô Lâm rất xúc động với tấm gương của nhiều đoàn viên, Công an xã là phụ nữ, con còn nhỏ. Công an xã đã được nhân dân yêu mến; gần gũi, động viên nhân dân tuân thủ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Sắp tới, với hoạt động lực lượng Công an xã, lãnh đạo Bộ sẽ tiến hành tổng kết, làm việc với Giám đốc Công an các tỉnh để rút kinh nghiệm và đưa ra những định hướng mới. Hiện nay, Công an xã trước khi về cơ sở đã được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, luật pháp. Tuy nhiên, tại nhiều địa bàn, nhất là ở Tây Nguyên - nơi còn nhiều khó khăn, Đảng ủy Công an Trung ương sẽ chăm lo, quan tâm đào tạo để trước khi xuống cơ sở, Công an xã sẽ được đào tạo về việc tiếp xúc, vận động nhân dân, phát động các phong trào. 

Nhấn mạnh vận động quần chúng là vấn đề rất quan trọng, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, thời gian qua, hầu hết lãnh đạo Công an các xã đều trúng vào cấp ủy cơ sở. Đây là minh chứng cho sự tin yêu của nhân dân với Công an xã. Về đào tạo tiếng dân tộc, Đảng ủy Công an Trung ương đã có chủ trương để hỗ trợ Công an cơ sở làm nhiệm vụ. Tới đây, Bộ sẽ tính toán chế độ, phụ cấp để động viên cán bộ, chiến sĩ tích cực học tập; tuy nhiên, cách học ngôn ngữ tốt nhất là học ở chính nhân dân. Các đơn vị khuyến khích các cán bộ, chiến sĩ tự học, học, kết bạn với bà con để học.
 
Phát huy sức trẻ, bảo vệ an ninh trật tự trong bối cảnh mới

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi gặp gỡ, đối thoại. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Thiếu tá Nguyễn Công Danh, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an Thành phố Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: Lãnh đạo Bộ cho biết những thách thức và vấn đề đặt ra đối với lực lượng Công an nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay và yêu cầu đặt ra đối với tuổi trẻ Công an nhân dân? 

Về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước có chủ trương hội nhập quốc tế; qua đó, chúng ta có thể áp dụng những tiến bộ của thế giới, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, tận dụng thị trường rộng lớn, đồng thời tiếp cận dòng tiền đầu tư từ bên ngoài, các nền văn hóa... từ đó phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. 

Tuy nhiên, hội nhập cũng đặt ra nhiều thách thức. Với lực lượng Công an nhân dân, đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, bởi trong quá trình hội nhập, chúng ta cũng gặp phải những vấn đề an ninh phi truyền thống như khủng bố, dịch bệnh... mà toàn cầu cùng phải giải quyết. 

Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, tuổi trẻ Công an nhân dân cần nắm vững quy luật, khái niệm, những vấn đề mà công cuộc hội nhập quốc tế đặt ra; từ đó phát huy hơn nữa sự sáng tạo, nhanh nhạy, nhiệt huyết, lòng dũng cảm - thế mạnh của tuổi trẻ để nghiên cứu, đưa ra những cách làm mới, đồng thời tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế. 

Bên cạnh đó, tuổi trẻ Công an nhân dân cần chủ động học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong bối cảnh hiện nay. 

Sử dụng hiệu quả mạng xã hội để phục vụ công tác

Một số đoàn viên Công an đặt câu hỏi Bộ Công an có quan điểm chỉ đạo như thế nào về việc sử dụng mạng xã hội để nắm, định hướng tư tưởng cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên; tuyên truyền về kết quả công tác bảo đảm an ninh trật tự, gương người tốt việc tốt, hoạt động của tổ chức Đoàn các cấp trong Công an nhân dân hiện nay, đồng thời đấu tranh phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng? Những điểm cần lưu ý khi sử dụng mạng xã hội phục vụ công tác Công an? 

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, mạng xã hội là một ứng dụng khoa học công nghệ đang phát triển rất tốt. Việc sử dụng mạng xã hội để nắm bắt tư tưởng cán bộ, chiến sĩ; tuyên truyền, nhân rộng gương người tốt việc tốt, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái... đang được quan tâm.  Tuy nhiên, phải phân biệt rõ mặt tích cực và tiêu cực, không để các thông tin tiêu cực ảnh hưởng. Đoàn viên, thanh niên Công an có thể sử dụng mạng xã hội để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thủ địch. Công an xã, Cảnh sát khu vực nên sử dụng mạng xã hội để tương tác với nhân dân.

Xuân Tùng (TTXVN)
Hình ảnh người chiến sỹ Công an nhân dân qua những bức thư của người dân
Hình ảnh người chiến sỹ Công an nhân dân qua những bức thư của người dân

Sau những vụ án, vụ việc khép lại, những lá thư cảm ơn của người dân, hay cả chính những đối tượng phạm tội gửi đến tập thể, cá nhân các cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân là sự động viên, khích lệ rất ý nghĩa, tạo thêm những động lực, trách nhiệm trong công tác đấu tranh với các loại tội phạm, bảo đảm bình yên cuộc sống. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN