Theo ông Vũ Đăng Minh, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có Công văn số 1860/UBND-TH ngày 3/9/2019 báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý thông tin báo chí. Theo đó, quan điểm của Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng là kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với bà Hồ Thị Cầm Đào và các tổ chức, cá nhân liên quan. Về việc này, căn cứ thẩm quyền quản lý cán bộ, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ban của Đảng để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định của Đảng và của pháp luật.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này, ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức, Viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết, bà Hồ Thị Cẩm Đào hiện nay là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng thuộc diện Ban Bí thư quản lý. Sau khi nhận được thông tin báo chí, với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước về công chức và giúp cho Thủ tướng, Chính phủ về việc chấp hành kỷ luật công vụ, Bộ Nội vụ đã kịp thời có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Sóc Trăng rà soát kết quả và báo cáo việc xử lý. Ngày 6/9, Bộ Nội vụ nhận được văn bản của UBND tỉnh Sóc Trăng, trong đó nêu rõ Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu bà Hồ Thị Cẩm Đào tiến hành kiểm điểm; đồng thời chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra tỉnh và Ban Tổ chức Tỉnh ủy yêu cầu bà Hồ Thị Cẩm Đào kiểm điểm.
Theo báo cáo của tỉnh, trên cơ sở kiểm điểm, Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng nhận thấy báo cáo đánh giá, giải trình của bà Hồ Thị Cẩm Đào và việc nắm tình hình của Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy là phù hợp, xác thực. Đồng thời, Tỉnh ủy đã có báo cáo gửi các cấp có thẩm quyền là Ban Tổ chức Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương về các báo cáo nêu trên. Việc xem xét trách nhiệm của bà Hồ Thị Cẩm Đào với tư cách đại biểu Quốc hội, theo thẩm quyền là của Ban Công tác đại biểu. Qua báo cáo của cơ quan có thẩm quyền tỉnh Sóc trăng, các cơ quan liên quan sẽ kịp thời phối hợp, chỉ đạo đánh giá và xử lý theo quy định.
Liên quan đến việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, ông Vũ Đăng Minh cho biết, Bộ Nội vụ đã nhận được phương án tổng thể của 44/46 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó đã có 19 tỉnh, thành phố gửi Đề án chi tiết và Bộ Nội vụ đã tổ chức thẩm định cho 12 tỉnh (ngày 21, 22/9, Bộ Nội vụ tiếp tục tổ chức thẩm định cho 7 tỉnh còn lại). Đồng thời, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ đề án của 2 tỉnh Bắc Giang và Thanh Hóa. Qua thẩm định Đề án, nhìn chung các địa phương đã bám sát các quy định của Đảng và Nhà nước để xây dựng hồ sơ Đề án. Nội dung Đề án đã tập trung vào việc sáp nhập nguyên trạng các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để vừa đạt mục tiêu là giảm số lượng đơn vị hành chính, vừa tăng quy mô diện tích tự nhiên và dân số của đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp; đồng thời xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư theo kế hoạch, lộ trình cụ thể, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.
Trao đổi thêm, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết, căn cứ pháp lý đã có đầy đủ để các địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Tiến độ thực hiện đến nay cơ bản vẫn đáp ứng được theo quy định tại Nghị quyết 32 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021. Còn 2 đơn vị (là Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh) chưa gửi phương án tổng thể về sắp xếp các đơn vị hành chính, Bộ Nội vụ đã đôn đốc địa phương sớm hoàn thành.
Sau khi Bộ Nội vụ có ý kiến đối với phương án tổng thể, các địa phương về xây dựng Đề án lấy ý kiến nhân dân và thông qua HĐND các cấp. “Có những địa phương chậm so với tiến độ, đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ xin được lùi thời gian. Bộ Nội vụ đã có văn bản yêu cầu các địa phương sớm tổ chức triển khai thực hiện, thời gian lùi cũng không quá 2 tháng”, ông Nguyễn Hữu Thành cho hay.
Về phương án, tổ chức sắp xếp cán bộ dôi dư, ông Nguyễn Hữu Thành cho hay, đây là một trong những nội dung các địa phương gặp khó khăn. Trong các đề án gửi Bộ Nội vụ, các địa phương đều xây dựng lộ trình, phương án cụ thể để tổ chức sắp xếp. Đề án nào chưa có lộ trình, phương án cụ thể, Hội đồng thẩm định liên ngành yêu cầu địa phương bổ sung.
Bộ Nội vụ đã tham mưu, đề xuất với Ban Tổ chức Trung ương tháo gỡ khó khăn liên quan đến cán bộ, công chức theo kiến nghị của các địa phương. Phương án sắp xếp cán bộ dôi dư do địa phương xây dựng. Trung ương chỉ hướng dẫn về chế độ chính sách liên quan đến việc sắp xếp. Cụ thể, việc sắp xếp cán bộ công chức dôi dư thực hiện theo chính sách tinh giản biên chế theo các Nghị định 108, 103 và 26. Ngoài ra, Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021 quy định thêm, đối với trường hợp sau khi thực hiện tinh giản biên chế vẫn dôi dư thì được sắp xếp giảm dần theo lộ trình 5 năm, rồi tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho những người thôi việc bằng tiền ngân sách địa phương.
Về việc sáp nhập sở, ngành, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, dự thảo sửa đổi Nghị định 24 và 37 (quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và cấp huyện) Bộ Nội vụ đã xây dựng và lấy ý kiến từ rất sớm, từ tháng 5/2018, Bộ Tư pháp đã 4 lần thẩm định đề xuất của Bộ phù hợp với các quy định của pháp luật. Hiện nay, do còn nhiều ý kiến khác nhau của các bộ, ngành, địa phương trong việc hợp nhất, sáp nhập, thí điểm nên Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu; phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương báo cáo Bộ Chính trị. Khung các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, tức là sở, ngành là từ 17 – 21 đơn vị, cấp huyện từ 10 – 13 phòng.