Ông cũng ghi nhận tình trạng chồng chéo, trùng lặp, bỏ sót về chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, một số ngành ở địa phương cơ bản đã được khắc phục. Đây là nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế trong điều kiện một số văn bản của Trung ương còn có những quy định chưa thống nhất.
Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Tường Vi/TTXVN
|
Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2015, tỉnh đã thực hiện tinh giản biên chế 45 người tại 11 cơ quan, đơn vị, địa phương. Năm 2016, Bộ Nội vụ đã có văn bản đồng ý thực hiện chế độ tinh giản biên chế cho 115 cán bộ, công chức, viên chức tại 21 cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Đoàn giám sát đánh giá: Vấn đề tinh giản biên chế ở Thừa Thiên-Huế vẫn còn hạn chế, đối tượng mới chỉ là những người nghỉ hưu đúng tuổi, chuyển công tác hoặc thôi việc, còn nhiều vướng mắc trong rà soát, phân loại. Bộ máy tuy thu gọn nhưng chưa chất lượng, chưa tạo ra sự đột phá, nhất là trung tâm hành chính chưa hoàn thiện; việc rà soát chức năng nhiệm vụ vẫn chung chung, chưa bài bản.
Ông Trần Văn Túy đề nghị địa phương quan tâm hơn đến các đối tượng tinh giản biên chế; việc tinh giản biên chế cần phải quyết liệt hơn, chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ, tránh tình trạng giảm cơ học chỉ đối với những người ở độ tuổi nghỉ hưu. Về những người hoạt động không chuyên trách, nhất là ở cấp xóm, khối, phố cần rà soát theo hướng đẩy mạnh việc kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách và hưởng phụ cấp kiêm nhiệm.
Đoàn giám sát cũng lưu ý, việc bổ nhiệm lãnh đạo cấp phó tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, huyện cần cân nhắc thận trọng, toàn diện, bảo đảm tỷ lệ hợp lý về số lượng giữa công chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với công chức chuyên viên và người lao động tại một số cơ quan; có giải pháp khẩn trương khắc phục trong việc sử dụng số công chức dự bị để bảo đảm đúng quy định.
Ông Trần Văn Túy đề nghị địa phương quan tâm hơn đến thực hiện xã hội hóa hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế văn hóa, thể dục, thể thao, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập.
Về việc triển khai Đề án xác định vị trí việc làm, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng đây là việc làm hoàn toàn mới, phức tạp, trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, khi xây dựng đề án mô tả vị trí việc làm, các cơ quan, đơn vị đều muốn tăng số lượng người nên chưa mô tả thực chất tính chất công việc. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, dự kiến, sau khi xác định vị trí việc làm, biên chế của tỉnh có thể tăng 1.300 người, tăng 60% so với biên chế hiện tại.
Đoàn giám sát đề nghị địa phương làm rõ những biện pháp, cách thức địa phương đã tiến hành hoặc đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành để khắc phục tình trạng nêu trên; nêu rõ những khó khăn vướng mắc khác nếu có trong quá trình triển khai Đề án.
Lãnh đạo các địa phương ở Thừa Thiên-Huế nêu rõ: Một bất cập hiện nay cần được giải quyết là việc phân định nhiệm vụ giữa quản lý nhà nước và hoạt động sự nghiệp trong một số lĩnh vực như bảo vệ thực vật, thú y, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, dân số kế hoạch hóa gia đình, đo lường chất lượng, lưu trữ còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, công tác bố trí, tổ chức lại nhân sự, đặc biệt là đối với các trường hợp sáp nhập, tổ chức lại về tổ chức bộ máy vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Trần Văn Túy cho biết: Đây sẽ là căn cứ để Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành ở Trung ương đánh giá, rút kinh nghiệm, có giải pháp giải quyết tình trạng ban hành văn bản thiếu thống nhất, gây xáo trộn tổ chức bộ máy, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước ở địa phương...