Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện hai dự án luật

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngay sau khi được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng 2 dự án luật; đó là: dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (một luật sửa 4 luật), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đáp ứng chất lượng, tiến độ mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đề ra.

Chú thích ảnh
Thi công dự án đầu tư công Đường số 3 kết nối thị trấn huyện Tân Thạnh với Quốc lộ N2 (tỉnh Long An). Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Công tác hoàn thiện sồ sơ đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung đặc biệt để đẩy mạnh một cách nhanh chóng, khẩn trương với sự tham gia của các cơ quan liên quan. Việc hoàn thiện hồ sơ đề xuất sửa các luật được thực hiện khẩn trương theo đúng yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan ưu tiên dành thời gian, nguồn lực cho công tác này với tinh thần "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", bố trí các cán bộ có đủ năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, khen thưởng, kỷ luật kịp thời.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập các ban soạn thảo, nhanh chóng rà soát, xác định các nhóm nội dung cần sửa đổi tại các luật, đặc biệt là những vấn đề có nhiều vướng mắc mang tính cấp bách cần xử lý để tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện nay.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Tuy nhiên ,bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019 trong thời gian qua còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Do đó, dự thảo Luật sửa đổi đề xuất 5 nhóm chính sách gồm: chính sách 1: Tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; phát huy các ưu điểm của Luật Đầu tư công năm 2019, không gây xáo trộn trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, luật hóa các chính sách đặc thù thí điểm đã phát huy hiệu quả trong thời gian vừa qua.

Chính sách 2: Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cắt giảm thủ tục hành chính, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính linh hoạt, chủ động của các cấp, các ngành trong quản lý và thực hiện kế hoạch đầu tư công phù hợp với năng lực quản lý và thực tế, tiếp tục chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng tiền kiểm sang hậu kiểm.

Chính sách 3: Đa dạng hóa các hình thức, phương thức quản lý, thực hiện dự án phù hợp với thực tế và năng lực triển khai, huy động tối đa năng lực quản lý và nguồn lực của địa phương, các thành phần kinh tế khác trong thực hiện dự án đầu tư công. Chính sách 4: Quy định rõ một số nội dung còn phát sinh cách hiểu khác nhau và bổ sung một số quy định trong Luật. Chính sách 5: Quy định một số nội dung đặc thù đối với dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài nhằm thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (một luật sửa 4 luật) giải quyết các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiên triển khai liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc đề xuất sửa đổi các luật nói trên đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, qua đó triển khai các nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị, các chỉ đạo của lãnh đạo chủ chốt, các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ. “Việc này có ý nghĩa quan trọng, góp phần triển khai 3 đột phá chiến lược; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; đáp ứng mong muốn của người dân và doanh nghiệp về giảm thủ tục hành chính, chống phiền hà, giảm chi phí tuân thủ; tháo gỡ khó khăn, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tư lệnh ngành cũng cho hay, một trong những vấn đề trọng tâm trong việc sửa các dự án luật là giúp khơi thông các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế.

“Hiện nay, chúng ta đang có nhiều ách tắc, điểm nghẽn, đặc biệt là về thể chế, tư duy quản trị xã hội, đâu đó vẫn chưa theo kịp với sự phát triển. Do đó, chúng ta buộc phải thay đổi, đáp ứng yêu cầu phát triển”, Bộ trưởng Dũng chia sẻ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, cần có tư duy mới, kiến tạo phát triển một cách chủ động. Từ đó, thay đổi tư duy quản trị xã hội bằng các công cụ, nguồn lực phù hợp, đảm bảo vừa thông thoáng, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý.

“Làm luật lần này, chúng ta coi như một cuộc cách mạng thật sự, đổi mới và cải cách về thể chế. Chúng ta cần thay đổi tư duy, thay đổi tầm nhìn, thay đổi phương thức quản lý, quản trị quốc gia. Điều này là nhu cầu đặt ra, cần đặt lợi ích phát triển đất nước lên trên hết, trước hết. Làm thế nào phát triển đất nước, giải phóng, huy động, sử dụng các nguồn lực hiệu quả. Tranh thủ các cơ hội, dù là nhỏ nhất để phát triển đất nước”, Bộ trưởng chia sẻ với các thành viên Ban soạn thảo.

Cùng với đó, Bộ trưởng Dũng cũng nhấn mạnh cần phải chuyên nghiệp, chủ động quyết định tương lai phát triển đất nước, tư duy đó phải được thể hiện trong luật pháp. Theo đó, cần thay đổi tư duy lấy phát triển để duy trì ổn định, chứ không phải ổn định để phát triển.

Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương tiếp thu các ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng các dự án luật, đặc biệt là nội dung các chính sách; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, đối tượng liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ xem xét để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024), bảo đảm tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, mong muốn của nhân dân.

Thúy Hiền (TTXVN)
Quy hoạch tỉnh Bình Dương được xây dựng bám sát Luật Quy hoạch và các Nghị quyết Trung ương
Quy hoạch tỉnh Bình Dương được xây dựng bám sát Luật Quy hoạch và các Nghị quyết Trung ương

Ngày 7/6, UBND tỉnh Bình Dương thông tin, tại Kỳ họp thứ 15 (Kỳ họp chuyên đề), Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua nội dung hồ sơ trình Chính phủ phê duyệt về Quy hoạch tỉnh Bình Dương; trong đó, đáng chú ý tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 10%/năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN