Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) trao đổi với phóng viên. |
Theo đại biểu Hòa, việc thực hiện chủ trương giảm biên chế theo chỉ thị 39 của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng là phù hợp tình hình hiện nay nhưng việc thực hiện thí điểm giảm biên chế trong giáo viên thì cũng phải có sự cân nhắc kỹ.
“Hiện mới có dự thảo, chưa thực hiện nhưng trong dư luận giáo viên đã có hoang mang. Việc chuyển biên chế chuyển sang hợp đồng cần căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành”, ông Hòa cho biết.
Ông Hòa cũng cho biết, ông ủng hộ việc giảm biên chế trong hành chính sự nghiệp, giảm công chức, cùng đó phải giảm viên chức trong đó có giáo viên nhưng phải tổ chức lại, xã hội hóa từ các trường đại học, phổ thông để bớt đi gánh nặng nhà nước.
Trước tiên chúng ta phải xác định rõ, Nhà nước luôn xác định giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nghề cao quý nhất trong các nghề. Cho nên trong từng lĩnh vực, từng bước đi trong tinh giảm biên chế trong lực lượng giáo viên cần có sự cân nhắc, thận trọng để không làm ảnh hưởng đến tư tưởng giáo viên và phụ huynh, học sinh. Đặc biệt là khi ảnh hưởng đến giáo viên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
“Nên đề xuất của Bộ GD- ĐT tôi nghĩ rằng phải có sự cân nhắc, bàn bạc cụ thể, đề án lớn có liên quan đến hàng triệu giáo viên thì theo tôi phải có sự khảo sát, thăm dò, thậm chí lấy phiếu ý kiến đối tượng bị tác động thì quy định đưa ra mới phù hợp thực tế, nếu không sẽ phản cảm và nguy hiểm”, đại biểu Hòa nhấn mạnh.
Ông Hòa cho biết thêm, những sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo là rất cần thiết nhưng đột phá, thay đổi sáng tạo cũng nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy và học, đào tạo từ tiểu học đến đại học là quan trọng nên phải có sự cân nhắc kỹ để không tốn kém ngân sách nhà nước, đi ngược lại dư luận vì giáo dục – đào tạo là vấn đề dư luận quan tâm.