Theo đó, Bình Thuận cấm tàu, thuyền, phương tiện vận tải hoạt động và đánh bắt hải sản trên biển từ 6 giờ ngày 18/12. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổ chức kiểm đếm, hướng dẫn các chủ phương tiện, kêu gọi các tàu đang hoạt động trên biển vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn, không đi vào vùng nguy hiểm của bão; hướng dẫn neo đậu, sắp xếp tàu, thuyền tại các bến bãi, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Các tàu nhỏ công suất dưới 30CV nên kéo lên bờ để bảo đảm an toàn khi bão đổ bộ trực tiếp.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra các vùng trọng điểm, vùng thường xuyên bị sạt lở khi bão đổ bộ; triển khai ngay kế hoạch sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm ven biển, cửa sông nguy cơ bị sóng biển, triều cường gây nước dâng cao ở các vùng trũng, ngập lụt; cắt tỉa cây xanh, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, công sở, các khu vực có lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên biển, nhất là tại huyện Phú Quý và Tuy Phong. Công tác ứng phó với bão Rai phải đảm bảo phòng, chống dịch COVID- 19.
Đối với huyện đảo Phú Quý, UBND huyện chủ động trong mọi tình huống, không để bị động, bị cô lập, chia cắt giữa đảo với đất liền khi bão vào Biển Đông gây ảnh hưởng trực tiếp; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, nhu yếu phẩm, thuốc y tế để ứng phó, khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn trên biển trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Sở Y tế phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo công tác an toàn phòng, chống dịch, đặc biệt là các khu vực dự kiến sơ tán tập trung, khu cách ly; đảm bảo và tạo điều kiện cho lực lượng phòng, chống thiên tai thực hiện nhiệm vụ; sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất lọc nước để hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu.
Tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các sở, ngành có liên quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công, không được chủ quan, lơ là trong mọi tình huống, phải tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả theo chỉ đạo tại các Công điện của tỉnh.
Để chủ động ứng phó bão Rai đổ bộ, Bình Thuận cũng chuẩn bị phương án di dời, sơ tán hơn 46.900 người ở vùng xung yếu, ven biển bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong đó, huyện đảo Phú Quý cần di dời, sơ tán 219 hộ với 991 khẩu.
* Chiều 17/12, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế có công điện yêu cầu các địa phương trong tỉnh chủ động triển khai công tác ứng phó với siêu bão Rai đang đi vào biển Đông và trở thành cơn bão số 9.
Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế, Cảng vụ Hàng hải tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn; cấm tất cả các phương tiện tàu, thuyền ra biển hoạt động từ 9 giờ ngày 18/12 cho đến khi có thông báo chính thức về thời tiết ổn định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Các địa phương ven biển chỉ đạo hướng dẫn cho người dân gia cố, đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên đầm phá, các lòng sông.
Chủ đầu tư những công trình đang thi công ở khu vực ven biển cũng phải tạm dừng thi công từ ngày 19/12, có phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại công trình.
Ngoài ra, những địa phương trong tỉnh phải tiến hành kiểm tra, đảm bảo an toàn các công trình, cơ sở hạ tầng; rà soát những khu vực trọng điểm có nguy cơ ngập úng, sạt lở, các phương án sơ tán dân khi cần thiết…