Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão, lụt còn có thể gây ra trong những tháng cuối năm 2011, UBND tỉnh Bình Định vừa có cuộc họp đột xuất với Ban chỉ huy phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn (PCBL-TKCN) tỉnh và các địa phương, xác định các biện pháp cần triển khai khẩn cấp.
Bình Định kiểm tra lại toàn bộ công tác “4 tại chỗ” và bổ sung kịp thời các vật tư, nhu yếu phẩm, lương thực, thuốc men, nước uống và hoá chất xử lý nước uống và môi trường dịch bệnh ít nhất trong thời hạn đủ sử dụng trong vòng một tuần lễ khi có bão lụt xảy ra; tiến hành kiểm tra và gia cố những công trình thuỷ lợi, giao thông bị sạt lở trong mùa mưa bão trước đây, nhất là các tuyến đê biển, đê sông và ven sông suối thuộc các huyện có hệ thống đê Đông chạy qua và chuẩn bị rọ, cọc tre, bao cát, đá sỏi tập kết ở những công trình có nguy cơ cao bị vỡ khi lụt bão lớn xảy ra.
Ngoài 20 hồ chứa thuỷ lợi đã được nâng cấp, còn 12 hồ chứa khác trên địa bàn, tỉnh tập trung thi công gia cố khẩn trương và có phương án chuẩn bị vật tư, nhân lực và phương tiện cơ giới để ứng phó kịp thời khi sự cố xẩy ra. Trước mắt, các hồ chứa nước lớn như Định Bình, Hội Sơn cần có kế hoạch xả lũ dần dần để đảm bảo an toàn hồ chứa và đề phòng ngập úng khu vực phía Đông tỉnh khi tần suất xả lũ lớn hơn vào các đợt mưa lũ lớn xảy ra; kiểm tra và khơi thông dòng chảy trên các sông suối, cũng như hệ thống cống thoát nước mưa tại các khu cụm công nghiệp Nhơn Bình và các công trình xây dựng mới như trường Đại học Quang Trung và khu tái định cư Võ Thị Sáu để tránh tình trạng ngăn nước gây ngập úng nặng tại khu vực dân cư quanh vùng. Đảm bảo an toàn cho trên 8.000 tàu thuyền với 100.000 lao động, trong đó có 4.000 tàu thuyền đánh bắt xa bờ về thông tin liên lạc, kêu gọi trú bão và tổ chức neo đậu an toàn toàn các khu neo đậu tập trung theo qui định, nghiêm cấm tàu thuyền chủ quan ra khơi khi mưa bão đến gần.
Đối với đời sống dân sinh, cần lên phương án di dời dân từ vùng nguy hiểm lên vùng an toàn; trước mắt đẩy nhanh thi công các khu tái định cư vùng thiên tai để bố trí cho dân đến ở theo qui hoạch; tổ chức hệ thống phương tiện và lực lượng cứu nạn, cứu hộ của địa phương và khi cần yêu cầu Trung ương hỗ trợ, nghiêm cấm người dân chủ quan đi qua các đập tràn nguy hiểm khi lũ về và chuẩn bị phương án cứu hộ, cứu nạn để không để người dân nào bị đói, rét trong mưa bão xảy ra.
Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng BPCBL-TKCN tỉnh Bình Định cho biết thêm: Để triển khai tốt các giải pháp trên, lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương phải kiện toàn tổ chức và con người của các Ban phòng chống bão lụt tại các huyện, thành phố Quy Nhơn và các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh. Trong chỉ đạo cần tập trung cao độ và phát huy tinh thần trách nhiệm của từng địa phương, không được chủ quan và đùn đẩy trách nhiệm, địa phương nào nếu tổ chức thực hiện không tốt, để xảy ra tình trạng thiệt hại lớn về người và tài sản của nhà nước và nhân dân thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Viết Ý