Tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 52 dân tộc sinh sống; trong đó có 51 dân tộc thiểu số với 450.124 nhân khẩu, chiếm 5,66% dân số toàn thành phố. Trong số đó, 3 dân tộc chiếm số đông và hình thành cộng đồng là dân tộc Hoa với 392.445 người, dân tộc Khmer với 11.807 người và dân tộc Chăm với 7.059 người. Thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số về giáo dục đào tạo, về y tế, dân số; chính sách đối với người có uy tín…
Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh luôn chú trọng thực hiện chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc. Hiện thành phố có 14 hội quán; 39 đền thờ họ; 60 đoàn, đội, nhóm văn hóa nghệ thuật đồng bào Hoa; 18 thánh đường, tiểu thánh đường Hồi giáo của đồng bào Chăm; 2 chùa Phật giáo Nam Tông của đồng bào Khmer… Các cơ sở văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội của đồng bào dân tộc được tôn tạo, phát triển và phát huy giá trị.
Phát biểu tại buổi họp mặt, đại diện một số dân tộc thiểu số cảm ơn lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi họp mặt ý nghĩa, tạo cơ hội được giao lưu, học hỏi và trao đổi với nhau.
Ông Lư Chấn Lợi, Trưởng ban Quản trị Hội thánh Tuệ Thành (đại diện đồng bào dân tộc Hoa) cho biết, trên tinh thần phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng bào dân tộc Hoa luôn đoàn kết, đồng thuận tham gia các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, các cuộc vận động, phong trào của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc phát động. Ông Lư Chấn Lợi mong muốn Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên, định kỳ họp mặt động viên đồng bào các dân tộc cố gắng vươn lên.
Ông Phú Văn Hẳn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ (đại diện đồng bào dân tộc Chăm) chia sẻ, cùng với các chính sách dân tộc, sự nỗ lực vươn lên của bản thân đã giúp đời sống văn hóa, kinh tế của đồng bào Chăm ngày càng phát triển, đổi mới. Đây cũng là cơ sở để phát huy tinh thần đại đoàn kết của đồng bào Chăm. Ông Hẳn tin tưởng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc Chăm phát triển, qua đó đóng góp ngày càng tốt hơn cho sự phát triển chung của thành phố.
Các đại biểu cũng nêu nhiều ý kiến, đề xuất Thành phố Hồ Chí Minh về các chính sách trong giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa như tạo điều kiện, hỗ trợ các dân tộc tôn tạo, xây dựng các cơ sở văn hóa; xây dựng các cơ sở giáo dục cho con em đồng bào dân tộc thiểu số…
Trân trọng và biểu dương những đóng góp của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu ghi nhận những góp ý, đề xuất của các đồng bào dân tộc; đồng thời cho biết sẽ tiếp tục quan tâm, đề xuất các ngành, các cấp thực hiện tốt hơn nữa chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Theo bà Tô Thị Bích Châu, trong sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh thời gian tới rất cần sự đoàn kết, ủng hộ, đóng góp của toàn thể nhân dân, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Thành phố sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, ra sức thực hiện các chương trình mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.