Biên cương - Ký ức tháng Hai

Đến biên thùy phía Bắc của Tổ quốc những ngày tháng Hai. Đặt tay lên cột mốc chủ quyền thiêng liêng, cảm nhận biết bao thăng trầm lịch sử, những phong ba của đôi bờ biên giới. Từng tên núi, mỗi tên sông đều gắn với những chiến tích lẫy lừng. Mỗi tấc đất biên cương đều thấm trộn máu xương của cha ông trong hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước đau thương mà anh dũng.

Lặng nhìn những nghĩa trang liệt sỹ, đài hương, bia đá khắc tên tuổi biết bao người con của đất nước đã anh dũng nằm xuống, thấy dội về cháy bỏng khát vọng: Hòa bình, Độc lập, Tự do, Tự cường!

Chú thích ảnh
Đài Tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sỹ Pò Hèn. Ảnh: Trần Mai Hưởng

Đài Tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sỹ Pò Hèn tại xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh sừng sững, uy nghi giữa núi trời biên viễn miền Đông Bắc. Hình tượng ba cặp bàn tay chụm lại tạo thành Đài Tưởng niệm vừa tượng trưng cho ba dân tộc Kinh, Dao, Sán Chỉ sinh sống tại nơi này, vừa là biểu tượng cho vòng tay của đất mẹ và đồng đội. Ngôi sao năm cánh ở chính giữa những bàn tay ánh lên sắc vàng tươi đầy tự hào, kiêu hãnh.

Pò Hèn là nơi ghi dấu một trong những trận chiến đấu ác liệt trên toàn tuyến biên giới phía Bắc hồi 42 năm trước và là nơi tưởng niệm 86 người con của đất nước đã anh dũng nằm xuống để giữ gìn cương vực lãnh thổ ngàn đời cha ông để lại.

Vào lúc 5 giờ 30 phút ngày 17 tháng 2 năm 1979, Đồn Biên phòng 209 Pò Hèn bất ngờ bị tấn công. Nối sau những trận pháo kích dữ dội là bộ binh địch vượt qua biên giới tràn sang. Cán bộ, chiến sĩ ở trong đồn và các điểm chốt nổ súng đánh trả địch quyết liệt. Cuộc chiến đấu không cân sức giữa cán bộ, chiến sĩ Đồn 209 và quân xâm lược diễn ra ác liệt ngay từ đầu. Địch dùng chiến thuật "biển người" ồ ạt tấn công, lớp này bị đánh tan, lớp khác lại điên cuồng xông lên. Cứ như vậy cho đến một cuộc chiến đấu giáp lá cà giữa các chiến sỹ ta và địch. Dù tạm chiếm được đồn của ta, nhưng quân bành trướng đã phải trả giá đắt bằng máu, 250 tên địch bị giết, hàng trăm tên khác bị thương. Còn đồn Pò Hèn,  45 cán bộ, chiến sỹ, một nhân viên thương nghiệp cụm Pò Hèn và 27 công nhân lâm trường Hải Sơn hy sinh.

Đất trời biên ải mênh mông, tĩnh lặng. Những làn khói hương vấn vít tỏa khắp núi đồi gợi nhớ ký ức bi tráng về những người con đất nước đã dũng cảm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc đến hơi thở cuối cùng. Như Anh hùng Liệt sỹ Đỗ Sỹ Họa, Trung úy, Đồn phó, người lập nhiều chiến công xuất sắc tại Quảng Trị trong kháng chiến chống Mỹ và được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Mặc dù bị thương, sức khỏe giảm nhiều nhưng anh vẫn tình nguyện lên biên giới chiến đấu, chỉ huy đơn vị cho đến lúc ngã xuống mảnh đất biên cương. Như chị Hoàng Thị Hồng Chiêm, nhân viên Cụm Thương nghiệp Pò Hèn khi mang hàng lên Pò Hèn gặp trận đánh, dưới làn đạn dày đặc của quân thù chị nhanh chóng di chuyển vào Đồn 209. Vào tới nơi, thấy bộ đội bị thương, chị băng bó cho thương binh và dùng súng trường của mình bắn trả quân xâm lược. Súng hết đạn, chị dùng AK và lựu đạn của các chiến sĩ hy sinh để chiến đấu với quân xâm lược đến hơi thở cuối cùng.

Từ Đài Tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sỹ Pò Hèn đi theo sắc trắng tinh khôi của hoa sở trên dọc đường tuần tra biên giới, sang Bắc Phong Sinh rồi tới Bình Liêu. Đặt tay lên cột mốc chủ quyền đất nước thiêng liêng 1327. Mỗi tấc đất đều thấm trộn máu xương của những người đã ngã xuống để bảo vệ lãnh thổ phía Bắc của Tổ quốc. Từng tên núi, mỗi tên sông đều gắn với những chiến tích lẫy lừng.

Rưng rưng nhớ câu hát “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên, cơn bão chưa ngưng trong tâm hồn biết bao người”, chen lẫn đau thương, phẫn uất là niềm tự hào về ý chí anh dũng, quật cường của dân tộc.

Chia sẻ ký ức về lửa đã cháy và máu đã đổ trên dải đất biên cương, ông Loan Thanh Lộc, dân tộc Dao, nguyên Trưởng Công an xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu- người đã cầm súng giáng trả quân xâm lược trên mảnh đất Đông Bắc hồi tháng Hai năm 1979, xót xa nhắc tới những đồng đội, đồng chí người còn, người mất, người nằm ở bờ khe, thung suối, sườn núi chưa được quy tập về các nghĩa trang. Kể tội ác man rợ quân xâm lược gây ra với nhân dân ta, ông lại bồi hồi nhớ những câu chuyện xúc động về tình quân dân trong chiến đấu rồi bảo: Thời điểm ấy, Bình Liêu và Pò Hèn chỉ là hai trong các điểm chiến sự ác liệt trên mảnh đất Đông Bắc…

Cách đây 42 năm, dải đất Quảng Ninh chỉ là một trong sáu tỉnh biên giới có những người lính ngã xuống bảo vệ Tổ quốc!

Lịch sử đã khắc ghi, rạng sáng ngày 17/2/1979, pháo binh quân xâm lược bất ngờ bắn phá các mục tiêu trong lãnh thổ Việt Nam, mở màn cuộc xâm lược. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân Việt Nam chính thức bắt đầu. Từ bên kia biên giới, hơn nửa triệu quân địch cùng hàng nghìn xe tăng, xe cơ giới tràn qua đồng loạt tấn công từ Pa Nậm Cúm - Lai Châu đến Pò Hèn - Quảng Ninh trên chiều dài 1.200 km với cuồng ngôn “dạy cho Việt Nam một bài học”. Nhưng chúng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của dân và quân ta ở nơi biên ải Tổ quốc.

Bị thiệt hại nặng nề và thời điểm này các quân đoàn chủ lực của Việt Nam từ Tây Nam kéo về đã cơ động lên biên giới phía Bắc, vào vị trí chiến đấu, sẵn sàng tiêu diệt quân xâm lược, quân bành trướng buộc phải chấp nhận thất bại, tuyên bố rút quân vào ngày 5/3/1979. Nhưng sau ngày 16/3/1979, địch vẫn chiếm đóng một số điểm cao ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên. Tháng 4 năm 1984 đến tháng 5 năm 1989, hàng chục vạn quân phương Bắc lại tràn xuống phương Nam, đánh chiếm biên giới Vị Xuyên. Cả dân tộc Việt Nam oằn mình bước vào cuộc chiến chống xâm lấn biên giới.

Những năm tháng đau thương mà anh dũng đó, như chia sẻ của Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Sư trưởng Sư đoàn 316, người tham gia chiến đấu trực tiếp ở biên giới phía Bắc trong giai đoạn 1979 -1989: “Sau những năm tháng xung đột, ngày 13 tháng 3 năm 1989, quân đội đối phương bắt đầu rút khỏi các vị trí chiếm đóng trên biên giới phía Bắc. Với những người lính chúng tôi, đó chính là ngày chiến thắng. Chúng tôi ngẩng cao đầu quay về phía Nam của Tổ quốc với niềm tự hào đã hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nhiệm vụ với khát vọng im tiếng súng, khát vọng về một biên giới hòa bình, hữu nghị”.

Bốn mươi hai năm đã trôi qua. Nhiều câu chuyện đã thuộc về lịch sử. Màu xanh đã phủ lên “Lò vôi thế kỷ” cũng như các quả đồi, cánh rừng, hố đạn nơi biên thuỳ phía Bắc năm xưa. Nhưng những chứng tích của cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc vẫn còn đó. Nỗi đau sẽ không thể nguôi quên. Bài học từ lịch sử, từ những phong ba nơi đôi bờ biên giới vẫn mang tính thực tiễn, vẫn nhắc nhở về: Hòa bình, Độc lập, Tự do, Tự cường!

Tháng Hai. Trời biên cương xanh ngắt một màu. Dọc đường tuần tra biên giới thấp thoáng những chùm hoa sở nở trắng tinh khôi. Trong gió núi, trong tiếng của vạn vật đang vươn chồi nảy lộc, thoảng nghe câu hát: “Em ơi! Có nơi nào đẹp hơn. Chiều biên giới khi mùa đào hoa nở. Khi mùa sở ra cây, lúa lượn bậc thang mây. Mùi tỏa ngát hương bay”.

Một mùa Xuân mới đang về nơi địa đầu Tổ quốc!

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Chiến sĩ biên phòng 'gác' Xuân trên dặm dài biên cương Tổ quốc 
Chiến sĩ biên phòng 'gác' Xuân trên dặm dài biên cương Tổ quốc 

Xác định thời gian trước và trong dịp Tết Nguyên đán sẽ có các trường hợp nhập cảnh trái phép số lượng lớn, tiềm ẩn nguy cơ cao dịch COVID-19 “thẩm thấu” vào địa bàn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ công tác biên phòng và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN